Mặc dù môi trường gọi vốn ở Đông Nam Á vẫn còn nhiều khó khăn, song fintech Krepo vừa gọi vốn thành công 270 triệu USD trong vòng Series D, vượt mức đăng ký trước đó.
Công ty có trụ sở tại Singapore là nhà điều hành nền tảng fintech Krepo và Krom Bank Indonesia, đã đạt được thỏa thuận rót vốn do Mizuho Financial Group dẫn đầu. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư như Square Peg Capital, Jungle Ventures và Naver cũng tiếp tục tham gia trong vòng Series D này. Giá trị vòng gọi vốn mới vẫn chưa được tiết lộ.
Việc Krepo huy động vốn thành công cho thấy một số công ty khởi nghiệp vẫn đang tìm được nguồn vốn ngay cả khi lĩnh vực đầu tư mạo hiểm đang vật lộn với lãi suất tăng, lạm phát cao và suy thoái công nghệ.
Thay vì mạnh tay chi tiền như trước, các nhà đầu tư đang trở nên kén chọn hơn và đưa ra các điều khoản khắt khe hơn.
Giám đốc điều hành Krepo, Akshay Garg từ chối tiết lộ mức định giá hiện tại, nhưng cho biết giá trị công ty tăng từ 4 – 5 lần “với mỗi lần định giá trong quá khứ”, Techcrunch đưa tin.
Krepo Holdings gần như đã ra mắt công chúng vào năm ngoái trong một thoả thuận SPAC trị giá 2,5 tỷ USD, nhưng sau đó huỷ bỏ vì điều kiện thị trường bất lợi.
Khi được hỏi Krepo có bao nhiêu người dùng đang hoạt động, Garg cho biết cơ sở người dùng được phê duyệt của họ hiện ở mức tương đương với số lượng thẻ tín dụng của Indonesia và dự kiến sẽ vượt qua trong một hoặc hai năm tới. Theo ngân hàng trung ương Indonesia, có khoảng 15 - 16 triệu thẻ tín dụng đang lưu hành tại nước này, nhưng các cuộc khảo sát của Krepo cho thấy hầu hết chủ thẻ tín dụng đều có hai thẻ, vì vậy số lượng chủ thẻ duy nhất chỉ bằng một nửa con số đó.
Krepo Holdings trước đây là FinAccel, công ty đứng sau ứng dụng mua trước trả sau Krepo và ngân hàng Krom Bank Indonesia. Sản phẩm của công ty bao gồm BNPL, cho vay cá nhân, thẻ tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Công ty đã huy động được tổng cộng 400 triệu USD vốn chủ sở hữu và cam kết cho vay tiêu dùng khoảng 1 tỷ USD.
“Krepo có thành tích xuất sắc tại Đông Nam Á, tận dụng các mối quan hệ đối tác dữ liệu sâu sắc của mình để thúc đẩy tài chính toàn diện ở Indonesia cũng như trong khu vực. Đồng thời, công ty duy trì các thước đo rủi ro giống như ngân hàng và xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả về vốn”, Daisuke Horiuchi, phó giám đốc điều hành tập đoàn Mizuho tuyên bố về khoản đầu tư.
Tại Việt Nam, vào tháng 08/2021, Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) hợp tác cùng Krepo triển khai sản phẩm "Mua trước Trả sau" trên nền tảng công nghệ trực tuyến.
Theo Krepo, Việt Nam là một lựa chọn hợp lý, do tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng trong nước thấp và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh. Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng, có sự tương đồng về mô hình nhân khẩu học và tiêu dùng ở Indonesia. Đây chính là động lực để Krepo quyết định tiến vào thị trường Việt Nam.
Các đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp của Krepo bao gồm BNPL (mua trước, trả sau) của Akulaku và Bank Neo Commerce (fintech gần đây cũng đã huy động được nguồn vốn đáng kể từ một ngân hàng lớn của Nhật Bản), dịch vụ BNPL Atome của Advance.ai và cho vay tiền mặt của Kredit Pintar và Sea Money của Sea Group.
Minh Tú (t/h)