![]() |
Bộ trưởng Công Thương có cuộc gặp và làm việc với lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Mỹ (Ảnh: Moit). |
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ từ ngày 19 đến 22/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên – Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ – đã có các cuộc gặp quan trọng với nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ như SpaceX, Google, Excelerate Energy, Lockheed Martin và Trump Organization. Các buổi làm việc không chỉ góp phần củng cố quan hệ kinh tế song phương, mà còn mở ra những cơ hội hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ, viễn thông, năng lượng, hàng không vũ trụ và bất động sản.
Tại cuộc gặp với ông Tim Hughes – Phó Chủ tịch Tập đoàn SpaceX (thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk), đại diện SpaceX khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với thị trường Việt Nam. SpaceX xem Việt Nam là điểm đến chiến lược trong kế hoạch mở rộng toàn cầu của hệ thống Internet vệ tinh Starlink.
Theo đó, SpaceX dự kiến đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào Việt Nam để xây dựng hạ tầng viễn thông, cung cấp kết nối băng thông rộng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. . Trong giai đoạn đầu, tập đoàn này sẽ xây dựng từ 10 đến 15 trạm mặt đất, ưu tiên triển khai tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo – nơi hạ tầng kết nối truyền thống còn hạn chế. Mục tiêu là cung cấp dịch vụ viễn thông hiện đại, ổn định với chi phí hợp lý, góp phần thu hẹp khoảng cách số và thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam.
Đáng chú ý, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho phép SpaceX thí điểm cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh trong thời gian 5 năm, hướng đến phục vụ hơn 600.000 thuê bao. Nếu được triển khai thành công, đây sẽ là bước tiến lớn trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Trước những vướng mắc về thủ tục hành chính mà SpaceX đang gặp phải tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để SpaceX mở rộng hoạt động.
Bộ trưởng cũng đề xuất SpaceX mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, năng lượng sạch và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những yếu tố nền tảng để xây dựng hạ tầng số bền vững tại Việt Nam. Ông bày tỏ mong muốn SpaceX sớm triển khai các dự án cụ thể, khẳng định tính ưu việt về công nghệ, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích và tuân thủ nguyên tắc của mỗi quốc gia.
Ngoài ra, phía Việt Nam cũng kỳ vọng SpaceX có thể đóng vai trò cầu nối với Chính phủ Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy các chính sách về thuế đối ứng, góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, qua đó thúc đẩy cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
![]() |
SpaceX đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng hạ tầng viễn thông tại Việt Nam |
Trước đó, theo hãng tin Reuters, trạm mặt đất đầu tiên của SpaceX tại Việt Nam có thể đi vào hoạt động sớm nhất trong tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay tại TP. Đà Nẵng. Đây sẽ là một phần trong mạng lưới gồm tối đa 15 trạm được triển khai trên toàn quốc, đưa Việt Nam trở thành quốc gia sở hữu hệ thống Starlink lớn nhất khu vực.
Hiện nay, dịch vụ Internet Starlink đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều có trạm mặt đất - vốn là hạ tầng trung chuyển quan trọng, kết nối vệ tinh với người dùng và đảm bảo tốc độ, độ ổn định của dịch vụ.
Tại Việt Nam, Starlink hứa hẹn trở thành giải pháp bổ trợ hữu hiệu cho hạ tầng viễn thông hiện có. Công nghệ Internet vệ tinh này có thể nhanh chóng phủ sóng đến các vùng khó tiếp cận bằng mạng di động hoặc cáp quang, đồng thời đóng vai trò là giải pháp dự phòng trong tình huống khẩn cấp như thiên tai, khi hệ thống hạ tầng truyền thống bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, Starlink còn có thể hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ di động băng rộng ở khu vực nông thôn bằng cách truyền tải dữ liệu cho các trạm phát sóng. Nhờ vậy, người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn có thể tiếp cận dịch vụ Internet ổn định, phục vụ cho học tập, làm việc và các nhu cầu thiết yếu trong đời sống số.
Với năng lực công nghệ và quy mô đầu tư lớn, Starlink có tiềm năng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau" trên hành trình số hóa toàn diện của Việt Nam.