Sôi động cuộc đua ví điện tử tại Việt Nam

07:45 10/12/2020

Thanh toán điện tử tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch. Trong đó, sân chơi ví điện tử đang sôi động hơn cả với sự góp mặt của hàng loạt các tên tuổi trong và ngoài nước, điều này cũng sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp ví điện tử.

ẢNh minh họa

Thanh toán điện tử tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, sân chơi ví điện tử đang sôi động hơn cả.

Cuộc đua khốc liệt của ví điện tử

Xuất hiện muộn, bùng nổ nhanh chóng, số lượng giao dịch đã gần tương đương giao dịch của các ngân hàng, ví điện tử đang góp phần làm nên cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực thanh toán.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) đánh giá, một trong những dấu ấn đặc biệt nhất trên thị trường thanh toán 5 năm qua là sự nổi lên đáng chú ý của những tay chơi mới, đặc biệt là ví điện tử. “Dù giá trị giao dịch còn kém xa ngân hàng, song số giao dịch tại các ví điện tử đã gần tương đương lượng giao dịch của các ngân hàng”, ông Dũng cho hay. 

Thị trường ví điện tử của Việt Nam khá nhộn nhịp với hơn 30 nhà cung cấp dịch vụ (tính đến ngày 15/10/2020), với các tên tuổi lớn như Momo, Moca, AirPay và ZaloPay đang thống lĩnh thị trường.

Một số ví điện tử điển hình
Một số ví điện tử điển hình.

Momo là một trong những nhà cung cấp lâu năm nhất với lượng khách hàng khổng lồ (vừa cán mốc 20 triệu người dùng), trong khi Moca và ZaloPay đang tận dụng hệ sinh thái sẵn có của mình để phát triển. Chính cuộc cạnh tranh gay gắt khiến dư địa dành cho các nhà cung cấp mới khá nhỏ, buộc họ có thể phải cạnh tranh bằng việc giảm giá và “đốt tiền” rất nhiều.

Cũng có ý kiến về vấn đề này, TS. Đoàn Bảo Huy - Chuyên gia tài chính của Đại học RMIT nhận định, mỗi ví điện tử hiện đang cố gắng cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ riêng. Momo đang hoạt động mạnh trong thanh toán tại các cửa hàng tạp hóa và cửa hàng tiện lợi. ZaloPay (được xây dựng từ ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam - Zalo) thì mang đến ưu đãi hoàn tiền hấp dẫn cho dịch vụ nạp tiền trên thiết bị di động. Trong khi đó, phạm vi tiếp cận của Moca tăng nhờ 2 dịch vụ cơ bản trên nền tảng của Grab là gọi xe và giao đồ ăn.

Tuy nhiên, nhiều tính năng tương tự đang có mặt trong các ví điện tử khác nhau. Điều này có nghĩa mọi người có thể sử dụng nhiều ví cho cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ, miễn họ được ưu đãi tốt nhất. Do đó, các ví điện tử cần nỗ lực rất nhiều để khiến khách hàng trung thành với mình.  

Ngoài ví điện tử, rất nhiều hình thức thanh toán khác như QR code, mPOS, Ecom, phương thức thanh toán không chạm (Contactless), Mobile Money cũng đã hoặc sắp xuất hiện. Riêng với QR code, hiện có khoảng 30 ngân hàng triển khai với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán trên thị trường.

Dù ví điện tử phát triển bùng nổ, song lãnh đạo các ngân hàng không tỏ ra lo lắng về việc bị cạnh tranh, mà nhìn nhận tích cực về cơ hội mở rộng hợp tác.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank khẳng định, các mô hình kinh doanh không tiền mặt từ các tổ chức trung gian thanh toán đang và sẽ tiếp tục là điểm sáng với sự bùng nổ về tính năng, công nghệ và trải nghiệm người dùng. Các hình thức này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.

“Thị trường thanh toán điện tử trở nên sôi động hơn bao giờ hết với sự tham gia của các tổ chức phi tài chính. Các công ty công nghệ tài chính (fintech) được dự đoán sẽ ngày càng bùng nổ. Thu hút vốn đầu tư fintech của Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong ASEAN (98% thuộc về lĩnh vực thanh toán). Những đối thủ mới này là động lực thúc đẩy các ngân hàng, đồng thời tạo nhiều cơ hội hợp tác để mở rộng quy mô và độ phủ”, ông Hưng nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV cho rằng, sự hợp tác giữa ngân hàng và fintech ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. “Fintech phân loại các sản phẩm ngân hàng truyền thống, cung cấp các tùy chọn chi phí thấp hơn với trải nghiệm người dùng tốt hơn, thu hút khách hàng thông qua các kênh số hóa được cung cấp cho việc tiếp nhận ban đầu, nhanh chóng, không cần giấy tờ”, ông Thắng nhận định. 

Hình thành hệ sinh thái số

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bình luận về những thách thức lớn nhất trong dài hạn tại thị trường Việt Nam để ví điện tử có thể sinh lời, TS. Nguyễn Thanh Bình - quyền Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Tài chính tại Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT cho rằng, để bứt phá khỏi cuộc chạy đua tiêu hao tài chính, ví điện tử cần cân bằng việc tăng trưởng quy mô người dùng với triển khai mô hình kinh doanh bền vững. Các ví điện tử cần phát triển hệ sinh thái đem lại giá trị gia tăng lớn hơn, có khả năng thu hút và khiến người dùng sẵn sàng trả tiền cho các dịch vụ sử dụng.

Theo ông Bình, với sự cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay của các ví điện tử trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, các ví điện tử khó có thể tăng phí giao dịch thanh toán cùng lúc với việc mở rộng quy mô người dùng. Thay vì tập trung vào tính phí để có lời, doanh nghiệp ví điện tử có thể chuyển đổi thành các công ty công nghệ tài chính (fintech) và cung cấp hàng loạt dịch vụ tài chính như cho vay, quản lý tài sản và bảo hiểm, tương tự như cách Alipay và Ant Group đã và đang làm ở Trung Quốc.

Alipay và WeChat Pay thành công tại Trung Quốc
Alipay và WeChat Pay thành công tại Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, có thể thấy Alipay và WeChat Pay thành công không phải nhờ dịch vụ thanh toán, mà nhờ đã mở ra một cánh cổng dẫn đến một hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số rộng lớn cho người dùng. Theo đó, cả hai gã khổng lồ này đều liên kết tài khoản ví với các nền tảng bán lẻ và các sản phẩm khác như đầu tư, bảo hiểm, thương mại điện tử..

Bàn về vấn để này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số BIDV cũng cho biết, với Việt Nam, để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt cần phải xây dựng môi trường sinh thái thanh toán điện tử mà ngân hàng, ví điện tử là một phần trong hệ sinh thái này. Giống như Trung Quốc, để thành công, ngân hàng và fintech, ví điện tử cần tạo ra một hệ sinh thái đa dạng, tiện ích để phục vụ khách hàng.

Còn theo TS. Phạm Nguyễn Anh Huy, một trong những vấn đề lớn nhất với ví điện tử là họ chưa cho khách hàng thấy được lợi thế rõ ràng về lâu dài so với ngân hàng truyền thống. Hầu hết các dịch vụ mà ví điện tử cung cấp (như chuyển tiền nhanh, thanh toán hóa đơn điện nước, hay thanh toán hàng hoá trực tuyến) hiện đã có mặt trong ứng dụng di động của các ngân hàng truyền thống. Ứng dụng số của các ngân hàng có thể chậm bước hơn ví điện tử ở một số dịch vụ khác, nhưng vấn đề này có thể giải quyết dễ dàng qua mua bán và sáp nhập.

“Theo tôi, ví điện tử cần quay trở lại với ý tưởng ban đầu là thay thế ví truyền thống - một chiếc ví không chỉ dùng để thanh toán và đựng các loại thẻ ngân hàng mà còn để lưu trữ những thứ khác như thẻ khách hàng thân thiết, thẻ thành viên và danh thiếp”, TS. Phạm Nguyễn Anh Huy nhấn mạnh.

Ly Ly