Nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric vừa công bố báo cáo Tổng quan sàn thương mại điện tử (TMĐT) nửa đầu năm 2023. Báo cáo dựa trên phân tích số liệu của 5 sàn TMĐT gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop.
Theo báo cáo, tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2023 là 92.745 tỷ đồng, có hơn 394.000 shop phát sinh đơn hàng và khoảng 907 đơn vị sản phẩm được giao hàng thành công. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng 46%.
Nửa đầu năm 2022, sàn TikTok Shop chưa ra mắt, nếu tính tỷ lệ tăng trưởng cùng kỳ khi chỉ tính trên doanh thu 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, con số sẽ là 22,5%.
Trên cả 5 sàn TMĐT, làm đẹp vẫn là ngành mang lại doanh thu nhiều nhất với hơn 16.000 tỉ đồng, bỏ xa các ngành hàng phía sau là thời trang nữ và nhà cửa đời sống.
Thống kê theo từng sàn, làm đẹp đứng đầu doanh thu trên cả Shopee, Lazada và Tiktok Shop. Trong khi đó, điện thoại và máy tính bảng đem về nhiều doanh thu nhất trên Tiki.
Dữ liệu từ Metric cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Shopee tiếp tục là sàn thương mại điện tử đứng đầu về doanh thu với thị phần gần như không thay đổi, chiếm 63%.
Bất ngờ lớn nhất đến từ vị trí của TikTok Shop khi trong quý II, sàn thương mại điện tử này đã vượt qua Lazada về doanh thu, đứng thứ hai tại Việt Nam, đạt hơn 16.000 tỷ đồng.
TikTok Shop là nền tảng thương mại điện tử nằm trong mạng xã hội TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance. Tính năng mua sắm cho phép người bán, nhãn hàng, người sáng tạo nội dung giới thiệu và bán hàng hóa của họ cho người dùng.
TikTok Shop chính thức vào Việt Nam từ cuối tháng 4 năm ngoái. Tuy xuất hiện muộn nhưng TikTok Shop đã có đà tăng trưởng thần tốc trên thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu của Metric, tính riêng trong tháng 11/2022, doanh số trên TikTok Shop đạt 1.698 tỷ đồng, với 13 triệu sản phẩm được bán ra và 32.000 nhà bán đã phát sinh đơn hàng.
Mức doanh số này nếu tính riêng trong tháng 11 cũng đủ giúp TikTok Shop vượt qua Tiki (396 tỷ đồng), và chỉ kém Lazada (2.603 tỷ đồng) cũng như Shopee (8.761 tỷ đồng) trên bảng xếp hạng các sàn thương mại điện tử có doanh số lớn nhất tháng tại Việt Nam.
Để dễ hình dung, có thể so sánh mức doanh thu trong một tháng khi ấy của TikTok Shop đã tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki. Trung bình mỗi ngày TikTok Shop đạt mức doanh thu 56.6 tỷ đồng và 434.000 sản phẩm được bán ra, giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng.
Theo ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Bộ phận Market Insights của Công ty phân tích dữ liệu thương mại điện tử YouNet ECI, TikTok Shop không chỉ thu hút được người tiêu dùng mà còn tăng số lượng influencers sáng tạo nội dung trên sàn, nhờ đó mà kết quả doanh thu cũng ghi nhận những bước nhảy ấn tượng. Trên nền tảng này, mức GMV (tổng giá trị hàng hóa) đã tăng gấp 11 lần, và số lượng đơn hàng cũng tăng gấp 6 lần.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn Momentum Works, TikTok Shop kể từ thời điểm ra mắt vào năm 2021 đến nay đã tăng GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa) ở khu vực Đông Nam Á từ mốc 600 triệu USD năm 2021 lên mức 4,4 tỷ USD vào năm 2022. Tốc độ tăng trưởng này nhanh hơn so với các đối thủ như Lazada và Shopee.
Không chỉ xét về doanh thu, TikTok Shop cũng lần lượt đánh bại các đối thủ già dơ như Sendo hay Tiki để vươn lên trở thành sàn thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam, chỉ xếp sau Shopee và Lazada.
Theo bảng xếp hạng YMI của YouNet Media, TikTok Shop chỉ cần tổng cộng 10 tháng để vượt qua Sendo và Tiki để chiếm vị trí thứ ba trong danh sách các sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam.
Lượng người quan tâm tăng vọt giúp TikTok Shop nhanh chóng thu hút một lượng lớn online sellers (nhà bán hàng trực tuyến) gia nhập vào nền tảng. Dữ liệu cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 5/2023, lưu lượng truy cập vào trang quản lý gian hàng trên website của TikTok Shop tăng 282%, đạt 4,2 triệu lượt truy cập/tháng.
Như vậy, TikTok Shop - một cái tên nước ngoài mới chỉ vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam 1 năm nay đã hiện đã vượt Lazada, Tiki, Sendo để trở thành sàn TMĐT có số lượng nhà bán hàng hoạt động trong tháng cao thứ hai thị trường, sau Shopee. Điều này cho thấy dấu hiệu chững lại của nhóm doanh nghiệp nội trên đường đua thương mại điện tử.
Trong khi đó, nghiên cứu của Momentum Works cho thấy, tổng giá trị hàng hóa qua sàn Tiki năm 2022 đã giảm 7% so với năm trước đó. Đáng chú ý là có đến 45% lượng giao dịch này là do Tiki tự phân phối. Giới quan sát đánh giá với thị trường đang phát triển như Việt Nam, cách làm này ngốn nhiều chi phí.
Nhận định về thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, bà Weihan Chen - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu, Momentum Works (Singapore) đánh giá: "Các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam hầu như chỉ thu hút các nhà bán hàng nội địa. Nhưng các sàn đa quốc gia họ không chỉ thu hút nhà bán hàng tại Việt Nam, mà còn rất nhiều nhà bán khác trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc - nơi có chuỗi cung ứng rất phát triển. Điều này tạo ra lợi thế về tối ưu bán hàng. Trong khi nhóm doanh nghiệp Việt bị hạn chế về đa dạng nguồn cung hàng hóa cho khách hàng".’
Tiến sĩ Phạm Công Hiệp - Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho hay: "Tính cạnh tranh gay gắt có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam "đuối hơi" trong cuộc chạy đua này. Thay vì đấu đầu trực tiếp vào mảng thương mại điện tử toàn cầu thì nên nhắm vào các thị trường nhỏ, ngách để phát huy thế mạnh".
Thu Phương (T/h)