"Khoản tín dụng ưu đãi của SeABank sẽ giúp chúng tôi vượt qua khó khăn đại dịch, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước", Chủ tịch Vietnam Airlines, Đặng Ngọc Hoà cho biết.
Ngoài ra, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG (Tập đoàn BRG) và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm cùng nhau phát triển trong nhiều lĩnh vực. Sự hợp tác này sẽ cho phép ba bên cùng xúc tiến các hoạt động hỗ trợ nhau mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh để khai thác thế mạnh, tiềm lực sẵn có.
Đại diện Vietnam Airlines, Tập đoàn BRG, và SeABank ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược - Ảnh: VNA.
Trong gói "giải cứu" 12.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua, còn 8.000 tỷ để tăng vốn điều lệ đến từ phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, phương án phát hành cổ phiếu này cũng đang được triển khai các hành lang pháp lý cần thiết theo quy định, dự kiến hoàn tất trong quý IV năm nay.
Theo dự thảo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư mới đây, Vietnam Airlines có thể lỗ đến 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Riêng quý I, Vietnam Airlines đã lỗ gần 5.000 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này.
Đến 31/3, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 14.218 tỷ đồng - đã lớn hơn khoản vốn điều lệ 14.187 tỷ đồng của hãng. Nếu không khắc phục được tình trạng này, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ nguy cơ bị huỷ niêm yết. Trước đó, mã này cũng đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ 15/4.
Trước đó, hôm 21-6, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), cho biết, đã có 3 tổ chức tín dụng là SeaBank, Hàng Hải (MSB) và SHB cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines vay với tổng số tiền là 4 ngàn tỉ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Các tổ chức tín dụng và Vietnam Airlines đang tích cực triển khai các thủ tục đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân dự kiến trong cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 2021.
Gặp khó khăn, thua lỗ nặng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vietnam Airlines kiến nghị gói trợ cấp trị giá 12.000 tỉ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỉ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỉ đồng) để tháo gỡ khó khăn vì Covid-19.
Ngoài ra, trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
Sự kết hợp giữa tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực đa ngành, ngân hàng và vận tải cho phép ba bên cùng xúc tiến các hoạt động hỗ trợ nhau mở rộng và phát triển hoạt động để khai thác thế mạnh, tiềm lực sẵn có. Mục tiêu là nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của mỗi bên, đồng thời mang tới những sản phẩm và dịch vụ mới cho khách hàng trong nước lẫn khách hàng quốc tế.
Tiến Sang/ Tổng hợp