Theo văn bản gửi Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteed), TISCO cho biết, tuy có hơn nửa thế kỷ hoạt động, hầu hết dây chuyền thiết bị đã cũ, xuống cấp, một số khâu công nghệ lạc hậu so với các đơn vị có cùng mô hình sản xuất nhưng đến nay, với tình hình thị trường thép và tính toán của công ty, việc triển khai dự án giai đoạn hai vẫn có hiệu quả.
Tính toán của TISCO cho thấy, công ty vẫn đang sử dụng 2 lò cao dung tích nhỏ 100 và 120m3, với sản lượng gang sản xuất 200 ngìn tấn/năm, tiêu hao cốc 535 -545 kg cốc/tấn gang. Với khâu cán thép, TISCO có 3 nhà máy với công suất 1 triệu tấn/năm, trong đó có 2 nhà máy đã được đầu tư mới với công nghệ và thiết bị hiện đại của DANIELI. Tuy nhiên, hiện công ty chưa phát huy hết công suất do nguồn phôi tự sản xuất chỉ đáp ứng được 50%, do dự án giai đoạn 2 chậm tiến độ nên 50% phải mua ngoài.
Để tối ưu hoạt động và chi phí, công ty đã có nhiều cải tiến với khâu sản xuất gang lò cao và khâu sản xuất phôi thép. Riêng với khâu sản xuất thép cán, công ty đã đưa dầu cốc vào sử dụng thay thế dầu FO nung phôi tại Nhà máy Cán Thép Lưu Xá, góp phần giảm giá thành sản xuất thép cán từ 200.000 – 250.000 đồng/ tấn sản phẩm.
TISCO cho biết sẽ thực hiện tốt giải pháp nạp phôi nóng, giải pháp sử dụng khí than lò cốc thay thế dầu FO nung phôi tại Nhà máy Cán thép Thái Nguyên đã góp phần giảm giá thành từ 150.000-200.000 đồng/ tấn sản phẩm. Việc sử dụng khí than lò cốc thay thế dầu FO nung phôi tại Công ty CP Cán thép Thái Trung đã góp phần giảm giá thành từ 100.000-150.000 đồng/ tấn sản phẩm.
Theo đại diện TISCO, do đầu tư Dự án giai đoạn 2 kéo dài 14 năm (tính từ lúc khởi công dự án) với nhiều tồn tại vướng mắc chưa giải quyết được, nên hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty từ năm 2018 có dấu hiệu giảm sút.
Lãnh đạo TISCO đánh giá, Dự án giai đoạn 2 hiện nay vẫn là công nghệ tiên tiến. Việc gỡ các vướng mắc đang tồn tại và sớm đưa Dự án giai đoạn 2 đi vào sản xuất, ít nhất là từng phần, là cơ hội để công ty tiếp tục vừa sản xuất có hiệu quả, vừa hoàn thành các phần khác, đảm bảo hiệu quả chung. Bên cạnh đó, nếu không sớm tái khởi động Dự án giai đoạn 2, chất lượng thiết bị trên hiện trường ngày càng hư hỏng, xuống cấp, chi trả tiền lãi vay, làm tăng chi phí của dự án.
Theo TISCO, để khôi phục dự án giai đoạn hai, công ty có thể sẽ đứng ra tự làm và thuê người để đưa nhà máy luyện cốc vào vận hành trước. Lượng cốc thu được từ nhà máy cốc giai đoạn hai đủ để cung cấp cho 3 nhà máy cán hiện tại của công ty. Phương án này mỗi năm sẽ giúp nhà máy giai đoạn hai giảm giá thành khoảng 300 tỷ đồng/năm.
Liên quan tới việc loạt cựu lãnh đạo TISCO hầu tòa, theo cáo trạng, dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO được triển khai năm 2007 và do Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) chỉ đạo, kiểm soát; đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).
TISCO ký với MCC hợp đồng EPC trị giá hơn 160 triệu USD, trong đó phần E (thiết kế) trị giá hơn 3,1 triệu USD, phần P (cung cấp thiết bị) giá gần 115 triệu USD và phần C (xây lắp) trị giá hơn 42 triệu USD.
Nội dung hợp đồng EPC thể hiện, MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao công nghệ, sửa chữa lỗi nếu có trong vòng 30 tháng. Tuy nhiên, MCC sau đó không thi công và đòi tăng giá. Các bị cáo tại TISCO và VNS chấp thuận yêu cầu này đồng thời giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C.
Ngoài ra, phần C bị chuyển từ hợp đồng trọn gói (không đổi giá trị) sang hợp đồng theo đơn giá (giá hợp đồng thay đổi theo thời gian). Đến năm 2011, VINAINCON dừng thi công do không đủ năng lực nên dự án của TISCO bị tạm dừng đến nay.
Cơ quan truy tố cho rằng, việc các bị cáo chấp thuận tăng giá hợp đồng EPC và chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực khiến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh lãi vay gây thiệt hại 830 tỷ đồng. Bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc TISCO) được xác định phải chịu trách nhiệm chính về vụ án.
Linh Anh