Revlon - Thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng 90 năm tuổi của Mỹ phá sản

23:55 17/06/2022

Ngày 15/6, Revlon - một trong những biểu tượng của “vẻ đẹp nước Mỹ” đã nộp hồ sơ xin phá sản lên tòa án ở NewYork.

Trong hồ sơ phá sản, Revlon đề cập đến những khó khăn mà công ty đang phải đối mặt. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng vào mùa xuân đã thúc đẩy sự cạnh tranh gay gắt các nguyên liệu để sản xuất sản phẩm. Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến thời gian giao hàng bị trì trệ từ năm 2020, đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao.

Cùng với đó, các nhà cung cấp thay đổi thời gian thanh toán chi phí nguyên liệu tạo nên không ít rắc rối. Trước đây, Revlon có thể thanh toán trong vòng 75 ngày sau khi nhận hàng nhưng hiện nay công ty buộc phải thanh toán trước. Ngoài ra, vấn đề thiếu nguồn lao động và lạm phát khiến hãng mỹ phẩm 90 năm tuổi "khó càng thêm khó". 

Ông lớn ngành mỹ phẩm của Mỹ Revlon phá sản.

Ông lớn ngành mỹ phẩm của Mỹ Revlon phá sản.

Tính đến cuối tháng 4, tổng giá trị tài sản của Revlon là 2,3 tỷ USD trong khi các khoản nợ của công ty lên đến 3,7 tỷ USD. Sau khi đệ đơn xin phá sản, cổ phiếu của Revlon đã sụt giảm tới 44% sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 15/6.

Revlon từ lâu đã không còn là cái tên xa lạ đối với phái đẹp. Hãng mỹ phẩm của xứ cờ hoa nổi tiếng trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm thành công vang dội là sơn móng tay và son môi. Thế nhưng trong những năm gần đây, thị phần và doanh thu của thương hiệu 90 năm tuổi dần bị thu hẹp do sự cạnh tranh gay gắt với công ty mỹ phẩm của những siêu sao Hollywood như Rihanna và Kylie Jenner. 

Được thành lập vào năm 1932 bởi hai anh em nhà Revson và nhà hóa học Lachman, Revlon khởi đầu với sản phẩm sơn móng tay. Năm 1985, công ty được MacAndrews & Forbes mua lại và niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ 11 năm sau đó. 

Năm 2016, Revlon đã mua lại công ty Elizabeth Arden với giá 870 triệu USD nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh chăm sóc da. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường, tình hình kinh doanh của hãng mỹ phẩm vẫn không có nhiều khởi sắc. Doanh số bán hàng của năm 2021 giảm 22% so với năm 2017.

PV