Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Thanh. |
Ông đánh giá thế nào về thực trạng và khả năng đáp ứng của hệ thống bến, bãi đỗ xe trên địa bàn Hà Nội hiện nay?
- Hiện nay, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 8 - 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có. Tốc độ tăng trưởng các loại phương tiện giao thông đường bộ của Hà Nội quá nhanh, khoảng 10,2%/năm đối với ô tô; khoảng 6,7%/năm đối với xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đô thị/diện tích đất xây dựng mới chỉ đạt từ 0,25 - 0,3%/năm. Khu vực nội thành còn kém hơn, đất dành cho các điểm, bãi đỗ xe mới chỉ đạt khoảng 0,12% tổng diện tích khu vực.
Để giải quyết tình trạng trên, Sở GTVT đã đưa ra những giải pháp nào?
- Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu, xây dựng Đồ án “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trình lên HĐND TP xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 này.
Đồ án tập trung vào việc cụ thể hóa định hướng quy hoạch giao thông tĩnh của Hà Nội trong: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án cũng đưa ra kế hoạch, lộ trình đầu tư phát triển mạng lưới giao thông tĩnh của TP theo từng giai đoạn đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của các quận, huyện, thị xã đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồ án sau khi được phê duyệt vừa là căn cứ để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vừa là cơ sở để thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho giao thông tĩnh trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là cơ sở cho việc triển khai thực hiện dự án bến, bãi đỗ xe sử dụng công nghệ cao, tích hợp giao thông thông minh.
Nhà để xe cao tầng trên phố Nguyễn Công Hoan. Ảnh: Thanh Hải |
Vậy, Đồ án còn đưa ra những giải pháp nào để thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông tĩnh?
- Nhằm kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa vào hạ tầng giao thông tĩnh, Đồ án đã đưa ra một số giải pháp. Ví dụ như cân nhắc lồng ghép một tỷ lệ nhất định trong khu đất xây dựng bãi đỗ xe, dành cho các dịch vụ tiện ích đi kèm. Nhưng đảm bảo không thay đổi chức năng, cũng như công suất khai thác của bãi đỗ xe. Có cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ được xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn vốn. Ưu tiên đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng thông minh để tận dụng, khai thác tối đa quỹ đất hiện có. Có cơ chế khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư, các chủ đầu tư trong việc áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác và vận hành các bãi đỗ xe.
Xem xét cho phép các nhà đầu tư bãi đỗ xe ngầm được lồng ghép một số chức năng dịch vụ tiện ích khi đầu tư xây dựng nhưng đảm bảo không thay đổi chức năng, cũng như công suất đỗ xe. Cho phép được bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong. Xung quanh các khu vực đã được đầu tư bãi đỗ xe theo quy hoạch, trong phạm vi bán kính khoảng 500m không cho phép khai thác sử dụng các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tạm thời trên lòng đường, vỉa hè...
Theo ông trước mắt, có giải pháp nào cho tình trạng quá tải hạ tầng giao thông tĩnh của TP không?
- Khi chưa kịp đầu tư các bến, bãi đỗ xe theo quy hoạch thì đối với những khu vực bức xúc, thiếu bãi đỗ xe vẫn duy trì một số điểm đỗ, trông giữ phương tiện tạm thời nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân. Về lâu dài, các điểm đỗ xe tạm sẽ được thay thế bằng các bãi đỗ xe tập trung phù hợp với quy hoạch.
Ngoài ra, sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông theo Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND của HĐND TP và Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 28/9/2017 của UBND TP. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt tại khu vực đô thị trung tâm; có các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng để khuyến khích người dân đi bộ hoặc xe đạp…
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Hải