Từng bước đi lên từ nền sản xuất nhỏ lẻ, mang nặng dấu ấn bao cấp, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tỉnh Quảng Trị đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong hơn ba thập kỷ qua. Được xác định là trụ cột phát triển kinh tế, CN-TTCN không chỉ góp phần tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng vạn lao động địa phương.
Khi tái lập tỉnh năm 1989, Quảng Trị chỉ có hơn 1.600 cơ sở công nghiệp với chưa tới 10.000 lao động. Hạ tầng lạc hậu, doanh nghiệp thiếu vốn, sản xuất đình trệ. Trước thực trạng đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khai thác lợi thế địa phương, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và doanh nghiệp, CN-TTCN từng bước phục hồi và vươn lên mạnh mẽ.
Từ năm 2001 đến nay, ngành công nghiệp Quảng Trị mở rộng nhanh chóng, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng như chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, khai khoáng, năng lượng tái tạo. Hàng loạt nhà máy lớn được đưa vào vận hành như MDF, phân bón, bia, may xuất khẩu, điện gió, thủy điện... góp phần tăng giá trị sản xuất toàn ngành lên hơn 40 lần so với năm 1989. Tính đến năm 2024, toàn tỉnh có hơn 8.000 cơ sở công nghiệp với gần 25.500 lao động. Chỉ số phát triển công nghiệp duy trì mức tăng bình quân trên 13%/năm.
![]() |
Lễ khởi công khu cảng cạn VSICO Quảng Trị. |
Cơ cấu kinh tế cũng chuyển dịch rõ nét. Từ chỗ nông - lâm - thủy sản chiếm ưu thế tuyệt đối, đến nay khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm gần 82% GRDP toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1989–2024 đạt 7,7%/năm, riêng ngành công nghiệp - xây dựng tăng tới 14,1%/năm. |
Các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm nón, xăm lưới, thêu ren… từng bước được phục hồi, mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 15 làng nghề được công nhận, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 2.200 lao động, với thu nhập bình quân 3,4 triệu đồng/người/tháng.
Dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng CN-TTCN Quảng Trị vẫn còn đối mặt với không ít thách thức như quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết, công nghệ chưa đồng bộ. Thời gian tới, tỉnh xác định ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chế biến sâu, vật liệu xây dựng cao cấp, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp silicat...
Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tiếp tục được đầu tư đồng bộ, đóng vai trò hạt nhân phát triển công nghiệp của tỉnh. Cùng với đó, các khu công nghiệp như Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá, hành lang Quốc lộ 15D, Quốc lộ 49C sẽ được quy hoạch gắn kết với Cửa khẩu quốc tế La Lay và cảng Mỹ Thủy, hướng tới hình thành trục công nghiệp EWEC ven biển.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh hiện đại hóa hạ tầng năng lượng, điện lực, xử lý môi trường và cấp nước sạch, bảo đảm nền tảng vững chắc cho công nghiệp phát triển bền vững.