Quan ngại thiếu lao động khi tái sản xuất

15:25 22/09/2021

TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam đang tính toán phương án mở cửa trở lại. Đáng nói, nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động rất lớn khi một bộ phận đã rời khỏi thành phố trước đó.

Căn cứ tình hình mới, hiện các công ty tại phía nam đã rục rịch đăng tuyển công nhân để bắt đầu từng bước phục hồi sản xuất.

Đơn cử như ngày 18/9, Công ty TNHH Pou Sung VN (KCN Bàu Xéo, Trảng Bom, Đồng Nai) thông báo đến người lao động bắt đầu hoạt động lại từ ngày 20/9 dựa theo kế hoạch ban hành trước đó 3 ngày của UBND tỉnh Đồng Nai.

Theo thông báo của công ty, người lao động được đi làm trở lại nếu đáp ứng đủ điều kiện gồm đang ở trong khu vực vùng xanh tại địa phương, đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 sau 14 ngày hoặc đã điều trị khỏi Covid-19 sau 180 ngày, có kết quả xét nghiệm âm tính (công ty tổ chức xét nghiệm ngay tại nhà máy trong ngày 20/9). Nếu người lao động nào đủ điều kiện mà không thể bắt đầu làm việc vào ngày 20/9 thì khi trở lại làm việc sẽ cung cấp kết quả xét nghiệm trong vòng 72 giờ (chi phí xét nghiệm này do công ty chi trả, tối đa 300.000 đồng). Những công nhân chưa đủ điều kiện sẽ tiếp tục ngừng việc cho đến khi có thông báo mới và được nhận lương ngừng việc bằng 50% mức lương tối thiểu vùng 85.000 đồng/ngày.

Trong khi đó, Chủ tịch Công đoàn Công ty Furukawa Automotive Parts Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh) cho biết, lượng lao động ngày thường của DN gần 8.000 người. Hiện tại, công ty đang duy trì sản xuất theo 2 phương án 3 tại chỗ và 2 điểm đến - 1 cung đường, với hơn 2.000 người. Số còn lại vẫn đang ở nhà, nhà trọ và phần lớn về quê. Đáng nói, nếu mở lại hoạt động bình thường với số lượng hơn 50%, công ty có thể huy động gọi người cũ đi làm được, nhưng sẽ thiếu khoảng hơn 3.000 lao động nếu muốn quay trở lại sản xuất như ngày thường.

Quan ngại thiếu lao động khi tái sản xuất
Quan ngại thiếu lao động khi tái sản xuất.

Thực tế, trong tháng 8, khi dịch bùng phát mạnh, đã có nhiều địa phương tổ chức đưa người lao động đang kẹt tại miền Nam về quê nhà, một số lớn tự về bằng đủ các phương tiện. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước lượng người lao động từ phía nam về các tỉnh lên đến hàng chục ngàn người. Trong khi đó, mới đây, tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục có công văn đề nghị các tỉnh hỗ trợ đưa người lao động về quê an toàn.

Ngày 18/9 vừa qua, tỉnh Phú Yên đã tổ chức đưa người từ Bình Dương về quê đợt thứ 3 với 700 người. Riêng Phú Yên, trong đợt dịch thứ 4 này, tỉnh đã tổ chức tổng cộng 24 đợt đưa người dân từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương về quê với gần 14.000 người. Các lao động này khó có thể lập tức trở lại nên việc thiếu hụt lao động đang trở thành mối lo ngại của nhiều doanh nghiệp.

PV