Phương Tây có nên học Trung Quốc cắt giảm quy mô của những “gã khổng lồ” công nghệ nội địa?

11:53 10/10/2021

Dường như Trung Quốc đã nắm được điểm mấu chốt trong hành trình giành chiến thắng cuộc đua công nghệ: Nắm bắt các công ty internet trong lòng bàn tay.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: China.org.cn)

Đây là câu chuyện về hai vũ trụ song song. Ở phương Tây, chủ nghĩa tư bản cai trị nhưng tại Trung Quốc là một hệ thống hoàn toàn khác. Tuy nhiên trong cả hai không gian, mối quan tâm của các chính phủ về sức mạnh ngày càng tăng từ những công ty công nghệ khổng lồ trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.

Kể từ năm 2010, châu Âu đã đưa ra hơn 36 cuộc thăm dò quy định chống lại các công nghệ lớn, bao gồm 10 sự vụ từ Ủy ban châu Âu và 26 từ các quốc gia riêng lẻ trong khu vực. Theo thống kê không chính thức, có khoảng 70 các hoạt động tương tự được tiến hành trên khắp thế giới. Sự hỗn loạn trong hoạt động quản lý là do thiếu chặt chẽ và nhất quán. Chẳng hạn như hai vụ kiện chống độc quyền đối với Facebook vào tháng 7 do một số bang của Hoa Kỳ và Ủy ban Thương mại Liên bang đệ trình đã bị thẩm phán bác bỏ.

Ngược lại, đối với các nhà quản lý hay những nhà quan sát có kinh nghiệm như Frederic Filloux cho biết: “Hãy hỏi bất kỳ chuyên gia nào, họ chỉ cho bạn rằng Facebook là người chơi nguy hiểm nhất trong thế giới kỹ thuật số”. Mô hình kinh doanh của Facebook nhiều lần đứng trước mũi chỉ trích của dư luận từ không kịp thời xử lý thông tin sai lệch cho đến các tin tức bầu cử,... Về phía Amazon, một “ông lớn” khác thường xuyên bị nhắc tên về hành vi cạnh tranh thương mại điện tử, chẳng hạn như áp đặt ý chí đối với người bán tham gia nền tảng này bằng cách bắt buộc mua quảng cáo nếu muốn thông tin shop được hiển thị đến người tiêu dùng.

Filloux cũng đặt câu hỏi tại sao Facebook và Amazon chỉ thu hút khoảng một nửa số cuộc thăm dò chống độc quyền mà Google thực hiện? Mặc dù mục đích của việc truy tố độc quyền nhằm tái cấu trúc thị trường nhưng cho đến nay kết quả duy nhất mà phương Tây thu được là khoản tiền phạt khổng lồ nhưng mặt khác đây chỉ là một thay đổi nhỏ đối với những công ty công nghệ.

Trở lại với Trung Quốc nơi những “gã khổng lồ” không còn vênh vang như trước và một số gần như biến mất hoàn toàn khỏi tầm nhìn của công chúng. Những ngành công nghiệp hái ra tiền từ đây phải chịu giám sát chặt chẽ của nhà nước, thậm chí tất cả các giao dịch liên quan đến tiền điện tử “không được chấp thuận” hiện là bất hợp pháp tại đây. Tờ New York Times cho biết: “Tại Hội nghị Internet Thế giới thường niên của Trung Quốc vào tuần trước, một quan chức báo hiệu rằng những nỗ lực nhằm kiềm chế những “gã khổng lồ” internet vẫn chưa kết thúc, đồng thời cảnh báo về tình trạng mở rộng vốn một cách mất trật tự. Từng là nơi giới thiệu sức mạnh của các doanh nhân Trung Quốc, hội nghị năm nay đã trở thành khuôn khổ cam kết lòng trung thành của doanh nghiệp đối với nhà nước và truyền bá tư tưởng thịnh vượng chung”. Bất cứ khi nào những tập đoàn công nghệ trở nên quá lớn, tất cả đã muộn màng nhận ra sẽ chẳng ai có thể lớn hơn Đảng Cộng sản khi còn có mặt tại Trung Quốc. Các cơ quan quản lý đã mạnh tay “dằn mặt” bằng vụ IPO khủng của Ant Group cho đến Didi Chuxing bị cấm cửa trên các cửa hàng ứng dụng.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩ là chế độ của Trung Quốc là đúng hay sai mà đặt ra hai câu hỏi. Một là, liệu sự tương phản giữa những cuộc đàn áp chưa mang tính triệt để ở phương Tây và hiệu quả của Trung Quốc trong kiểm soát giới công nghệ sẽ ngụ ý rằng chỉ có các chế độ độc tài mới có thể trị các tập đoàn sừng sỏ? Hai là, dù áp dụng cơ chế nào đi nữa nhưng có một sự thật, phương Tây vẫn có những thức mà Trung Quốc đang thiếu. Đó là khả năng tạo ra và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ. Cuộc đua chống độc quyền giữa Trump, Biden và Tập Cận Bình liệu có khiến Trung Quốc quyết tâm loại bỏ những yếu kém trên? Trung Quốc vẫn sẽ nỗ lực nhưng nước này cần nhất hiện nay là một công ty sản xuất và thiết kế chất bán dẫn hàng đầu thế giới. Tất nhiên, ứng cử viên sáng giá nhất là TSMC ở ngay bên kia eo biển Đài Loan.

TL (theo The Guardian)