
Phú Thọ: Tích cực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tích cực, góp phần giúp các DN phòng ngừa rủi ro pháp lý, nâng cao năng lực, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh có gần 600 hội viên với hệ thống tổ chức gồm chín chi hội trực thuộc và 10 hội DN/doanh nhân cấp huyện. Phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh là DN có quy mô nhỏ, nhiều DN đi lên từ quy mô hộ cá thể nên nhận thức về pháp luật kinh tế, kinh doanh… còn hạn chế.
Những năm qua, cộng đồng các DN nhỏ và vừa trong tỉnh đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, tạo ra khối lượng sản phẩm xã hội, tạo nguồn thu ngân sách đồng thời tham gia công tác an sinh xã hội.
Cùng với mạnh dạn đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, các doanh nghiệp đã hình thành mối liên kết trong khai thác nguyên liệu, lao động tại chỗ; sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau để kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi và hệ thống pháp luật còn có những bất cập, thường xuyên được bổ sung, sửa đổi thì rủi ro pháp lý đang là vấn đề các DN phải đối diện. Bà Nguyễn Thị Thu Hoa- Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Trường Foods cho biết: “Trong quá trình hoạt động, Công ty phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, từ thành lập, ký kết hợp đồng đến tiếp xúc với các cơ quan thuế, cơ quan quản lý chuyên ngành về thương mại, phòng cháy chữa cháy…
Thời gian qua, Hiệp hội đã chủ động phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; triển khai Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa, bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; hướng dẫn DN thực hiện các thủ tục vay vốn, tham vấn, tư vấn hỗ trợ về thuế, lãi suất tín dụng, giãn nợ vay đầu tư, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ; bồi dưỡng, đào tạo kiến thức quản trị DN cho giám đốc, kế toán trưởng các DN, đào tạo CEO làm chủ nguồn vốn tại DN nhỏ và vừa…
Ngoài ra, Hiệp hội đã chủ động, kịp thời phổ biến, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan, các văn bản của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam; các văn bản của Hiệp hội... liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.
Đặc biệt, Hiệp hội cũng tiến hành xây dựng phần mềm tương tác hỗ trợ pháp lý; thành lập các đơn vị tư vấn, hỗ trợ những vướng mắc cho DN như: Kế toán, kiểm toán, thuế, hợp đồng, hỗ trợ công nghệ và chuyển đổi số...
Ông Đàm Đắc Tiến - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ cho biết: “Việc hiểu biết các căn cứ pháp luật để xây dựng, thương thảo các hợp đồng kinh tế đảm bảo yêu cầu chặt chẽ, tính pháp lý cao và tiên lượng các rủi ro trong quá trình đàm phán, thực hiện hợp đồng ký kết là yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công cho DN. Vì vậy, các DN phải thường xuyên cập nhật, nắm chắc các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động chung và cụ thể lĩnh vực hoạt động của DN mình.
P.V
Cùng chuyên mục


Lãnh đạo Hiệp hội DNNVV tới dự và chúc mừng Đại lễ Phật đản tại chùa Quán Sứ

Bình Phước: Nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

BNI Việt Nam chính thức khai mạc Hội nghị Quốc tế "Hội ngộ đỉnh cao 2023"

VINASME tiếp đón và làm việc với đoàn UBND thành phố Hoài Nam (Trung Quốc)

Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang trao 200 phần quà cho học sinh
-
Coi trọng tiếng nói của doanh nghiệp trong xây dựng chính sách
-
3 nhóm hành vi sai phạm của nhân sự cấp cao doanh nghiệp thường mắc phải
-
TS. Đinh Thế Hiển: Không có làn sóng mới của dòng tiền đầu tư vào thị trường bất động sản năm 2024
-
TS Vũ Minh Khương: Xây dựng hệ sinh thái trái phiếu lành mạnh nhiệm vụ cấp bách
-
Chuyên gia kinh tế - TS. Doãn Hữu Tuệ: Cần ưu tiên vốn cho doanh nghiệp sản xuất