Bắt đầu thực hiện từ năm 2019, Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Việc phát triển các sản phẩm OCOP được nâng lên rõ rệt thông qua số lượng sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2020: 28 sản phẩm; năm 2021: 50 sản phẩm; năm 2022: 61 sản phẩm; năm 2023: 109 sản phẩm.
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 237 sản phẩm được chứng nhận sao OCOP. Trong đó, 85% sản phẩm được công nhận OCOP thuộc nhóm ngành thực phẩm. Một số sản phẩm đã trở thành “thương hiệu” gắn liền với các địa danh như: Trà đinh cao cấp Hoài Trung (Thanh Ba); mì gạo Hùng Lô, gạo giống Nhật J02 (TP.Việt Trì); bưởi Bằng Luân, bưởi sửu Chí Đám (Đoan Hùng); trà Đá Hen hảo hạng (Cẩm Khê)...
Tham gia Chương trình OCOP năm đầu tiên, sản phẩm “Mì gạo Hùng Lô sinh ra từ làng” và “Mì gạo Hùng Lô loại đặc biệt” của HTX Mì gạo Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP.Việt Trì) hiện được nhiều người tiêu dùng biết đến với chất lượng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX Mì gạo Hùng Lô cho biết: Kể từ khi được chứng nhận sao OCOP, giá trị các sản phẩm của HTX đều gia tăng từ 1,5 đến hai lần so với trước đây. Chương trình đã tạo ra hướng đi mới, hiệu quả hơn trong quy trình sản xuất, kinh doanh của HTX, giúp sản phẩm tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có đủ điều kiện để tham gia vào hệ thống các siêu thị và cơ hội để vươn ra thị trường xuất khẩu...
"Hiện, sản phẩm mì gạo Hùng Lô đã đứng vững tại các hệ thống siêu thị lớn như: WinMart, CoopMart... cùng nhiều đại lý bán lẻ, cửa hàng tạp hóa trên toàn quốc. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi thông qua các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, giaothuong.net.vn...", ông Duy cho biết thêm.
Tuy nhiên, Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn, đa ngành, đa lĩnh vực, do vậy việc nhận thức và hiểu đúng về chương trình ở một số địa phương hiện vẫn còn hạn chế, thiếu chủ động trong quá trình tổ chức triển khai.
Các sản phẩm OCOP trên địa bàn chủ yếu là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp; mẫu mã bao bì, kiểu dáng còn sơ sài, thiếu tính thương mại; có khá nhiều sản phẩm OCOP tương tự nhau nhưng sản phẩm sạch, chất lượng cao cung cấp cho thị trường còn hạn chế; các sản phẩm chủ lực đa phần sản xuất theo quy mô nhỏ, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục....
Để Chương trình OCOP được triển khai theo hướng thực chất, hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tích cực tuyên truyền cho người dân và đội ngũ cán bộ quản lý hiểu về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP; đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia; tổ chức khảo sát, đánh giá và tư vấn để các chủ thể nâng cấp sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Ông Vũ Quốc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Thời gian tới, để góp phần đa dạng hoá các sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền, góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, Chi cục sẽ tập trung phát triển làng nghề nông thôn với các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, có giá trị kinh tế cao; gắn sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống của tỉnh để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Quốc Huy