Phú Thọ: Nâng hạng cho sản phẩm OCOP tại huyện Cẩm Khê

19:01 22/09/2023

Trên địa bàn huyện Cẩm Khê có 17 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (trong đó, một sản phẩm OCOP đề nghị nâng hạng 3 sao lên 4 sao, 16 sản phẩm đánh giá, phân hạng lần đầu).

Sản phẩm nón lá Sai Nga, thị trấn Cẩm Khê
Sản phẩm nón lá Sai Nga, thị trấn Cẩm Khê.

Đến nay, huyện Cẩm Khê có 16 sản phẩm của 12 chủ thể tại 9 xã, thị trấn hoàn thiện hồ sơ. Theo đó thị trấn Cẩm Khê có năm hồ sơ (Nón lá Sai Nga, Trà vối Sơn Bình, Trà SK Sơn Bình, Bánh sắn Sơn Bình nhân chay, bánh sắn Sơn Bình nhân thịt của cở sở sản xuất Hà Thanh Bình); Xã Yên Tập hai hồ sơ sản phẩm (rượu gạo Thanh Lâm, trà hoa đu đủ đực - xạ đen tía của HTX Nông nghiệp thực phẩm Thanh Lâm); xã Hùng Việt ba hồ sơ sản phẩm (Bánh chưng Đất Tổ và bánh chưng đậu đỏ của HTX Nông thương Đất Tổ; Mỳ gạo Thạch Đê của HTX nông nghiệp xã Hùng Việt); xã Tam Sơn một hồ sơ (tương nếp bà Hằng), xã Cấp Dẫn một hồ sơ sản phẩm (tương nếp Làng Đình của hộ kinh doanh Trần Ngọc Khung; xã Sơn Tình một hồ sơ sản phẩm (Bánh nướng Linh Trang của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Đồng); xã Phú Khê một hồ sơ sản phẩm (Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa Phúc Linh); xã Minh Tân một hồ sơ sản phẩm (mỳ gạo Minh Tân của hộ kinh doanh Đoàn Ngọc Quang); xã Phượng Vỹ một hồ sơ sản phẩm (nem chua Phước Duyên).

Thực hiện chương trình OCOP, huyện Cẩm Khê đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trong đó, huyện đã yêu cầu mỗi xã phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn.

Sản phẩm Mỳ gạo Thạch Đê; tương nếp bà Hằng
Sản phẩm Mỳ gạo Thạch Đê; tương nếp bà Hằng.

Thông qua chương trình đã thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong nhân dân, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân. các sản phẩm cũng được các chủ thể sản xuất quan tâm tới những yếu tố về nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, đảm bảo các điều kiện sản xuất theo quy định.

Ông Trần Minh Nghiệp - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Các sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng đều là sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng gắn liền với truyền thống, văn hóa, trí tuệ và bản sắc của địa phương; các sản phẩm từ quy mô sản xuất nhỏ đến quy mô sản xuất trung bình đều đã khẳng định được thương hiệu, vị trí đối với người dân trong và ngoài huyện”.

Tuy nhiên, quy mô hoạt động sản xuất đa số còn nhỏ lẻ, manh mún; thị trường tiêu thụ hẹp, bao bì đơn giản, nội dung ghi nhãn mác một số sản phẩm không đầy đủ; xúc tiến thương mại còn hạn chế, các cơ sở chưa quan tấm đến việc xây dựng thương hiệu.

Để phát triển và nâng hạng cho sản phẩm OCOP, các phòng chuyên môn của huyện cùng UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các chủ thể trên địa bàn đăng ký sản phẩm tham gia. Đồng thời, đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn về chính sách hỗ trợ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

P.V