Những khó khăn mà dịch bệnh COVID-19 mang lại cũng là động lực thay đổi tư duy, cách làm của nông dân, giờ đây họ không còn phụ thuộc vào một kênh bán hàng truyền thống như trước đây mà đã biết tận dụng lợi thế của mạng xã hội và sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở thêm kênh phân phối, từ đó giúp tiêu thụ hàng hóa hiệu quả hơn.
Trong năm 2022, toàn huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) đã có trên 14.000 lượt hội viên nông dân được hỗ trợ đăng ký sản phẩm lên sàn TMĐT tương ứng với 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và đảm bảo VSATTP được giao dịch trên sàn. Điển hình là hội viên nông dân các xã: Tuy Lộc, Văn Khúc, Tạ Xá, Đồng Lương, Hùng Việt. Hiệu quả kinh tế bước đầu đã giúp hội viên nông dân tiếp cận thị trường mới, được giới thiệu, quảng bá sản phẩm và có nhiều mặt hàng được khách hàng gần xa ưa chuộng như: Chè Đá Hen Đồng Lương, Tôm càng xanh Văn Khúc, Trà diếp cá Tạ Xá, rau sắn chua Thụy Liễu...
Ông Trần Ngọc Đương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Khê cho biết: “Các cấp hội trong huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền về sàn TMĐT để cán bộ, hội viên nông dân tiếp tục đăng ký, khai thác hiệu quả, đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để hội viên giao dịch thành thạo trên điện thoại thông minh và các nền tảng công nghệ khác”.
Với mục tiêu giúp cho nông dân tiêu thụ được nhiều hàng hóa trên môi trường số, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã sáng lập và phát triển sàn TMĐT PostMart.vn. Đây là sàn TMĐT thuần Việt đang từng bước khẳng định sự phù hợp với đặc thù nông dân, nông nghiệp và nông thôn nước ta nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng. Với lợi thế nhân viên bưu điện cùng mạng lưới bưu chính trải rộng đến các xã, phường nên rất dễ nắm bắt thông tin của các hộ sản xuất nông nghiệp, từ đó, nhân viên bưu điện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xác định nhu cầu, lập danh sách, lựa chọn mặt hàng đặc trưng, chất lượng cao của từng hộ sản xuất để đăng lên sàn TMĐT PostMart.vn.
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Phú Thọ cho biết: “Chúng tôi đang tiếp tục quảng bá để có thêm nhiều nông dân và người tiêu dùng biết đến sàn TMĐT. Nhân viên bưu điện cũng sẽ đồng hành cùng bà con nông dân từ việc tư vấn, hướng dẫn hộ gia đình đăng ký tài khoản, lập gian hàng, đăng bán sản phẩm cùng quy trình vận chuyển, thanh toán. Khi hộ nông dân có đơn hàng trên sàn TMĐT, nhân viên chúng tôi sẽ hỗ trợ đóng gói, tư vấn cách bảo quản”.
Trước mắt, Hội Nông dân tỉnh sẽ ưu tiên các mặt hàng nông sản đạt chứng nhận OCOP để đăng bán trên sàn TMĐT. Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với người nông dân trong việc thay đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang hiện đại để đảm bảo quy chuẩn về mẫu mã, chất lượng và đầu ra của sản phẩm.
Ông Phùng Thị Hồng Chuyên - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Sàn TMĐT đã và đang mang đến nhiều lợi ích cho người nông dân như: Tiết kiệm chi phí, cung cấp công cụ dự báo nhu cầu người tiêu dùng, thông tin thời tiết mùa vụ... Đây sẽ là kênh phân phối mới, hiện đại, bền vững cho nông dân và nông sản thực phẩm địa phương giúp tạo ra không gian mở, định vị đúng giá trị thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.
Cũng theo ông Chuyên, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp với Bưu điện tỉnh là đầu mối cung cấp dịch vụ mở thêm các lớp tập huấn về công nghệ thông tin cho hội viên, đặc biệt là người lớn tuổi. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích hội viên nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo ATVSTP để đủ điều kiện đăng bán trên sàn TMĐT.
Trọng Khả