![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa. |
Hội nghị là diễn đàn để tỉnh Long An cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành, điểm đến và sản xuất sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh cùng trao đổi, đóng góp, từ đó định hình sản phẩm du lịch nông thôn đặc thù cho Long An, tạo sức cạnh tranh hiệu quả, liên kết vùng phát triển du lịch Long An – Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tỉnh Long An với xuất phát điểm là địa phương có nền sản xuất nông nghiệp lâu đời thuộc khu vực ĐBSCL. Lịch sử địa phương gắn liền với nông thôn, nông nghiệp truyền thống nên hình thái nông thôn tương đối đa dạng cả về ngành nghề, chủng loại cây trồng, vật nuôi; với các sản phẩm nông sản tiêu biểu như: Thanh long (Châu Thành), khoai mỡ (Thạnh Hóa), khóm, chanh (Bến Lức), rau (Cần Giuộc), gạo Nàng thơm chợ Đào (Cần Đước), nếp (Thủ Thừa), …
Đặc biệt, tỉnh Long An có nhiều nghề truyền thống, làng nghề truyền thống nổi tiếng điển hình như Làng mai Tân Tây (Thạnh Hóa), Làng nghề truyền thống Chiếu Long Cang (Cần Đước); Làng nghề truyền thống Trống Bình An (Tân Trụ); Làng nghề truyền thống mây, tre, đan Bến Long (Đức Hòa); Nghề làm bánh in truyền thống (Cần Đước); Nghề rèn truyền thống xã Nhị Thành (Thủ Thừa); Nghề chế tác kim hoàn (Cần Giuộc); Nghề truyền thống đan cỏ bàng tại ấp Lộc Thuận, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa.
![]() |
Làng nghề truyền thống Đan cần xé huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. |
Bên cạnh đó, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP ra đời từ năm 2018 đến nay đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, nhất là các giá trị văn hóa của địa phương nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến nay, toàn tỉnh có 231 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 - 4 sao mang nét đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, tỉnh còn hỗ trợ thành lập 6 điểm trưng bày sản phẩm OCOP. Thông qua các điểm trưng bày tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP của tỉnh giới thiệu, quảng bá, đồng thời kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường. Mục tiêu đến năm 2025, Long An phát triển, chuẩn hóa điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phần lớn các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có hình thành điểm du lịch nông thôn gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái.
![]() |
Sản phẩm trà chùm ngây của Vườn Nhà Mình (huyện Tân Trụ) được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2021. |
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe 6 tham luận chuyên sâu về du lịch của các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp như: Tiềm năng, cơ sở triển khai loại hình du lịch đường sông tại Long An; thực trạng phát triển du lịch đường sông tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Long An và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, một số kiến nghị; thực trạng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Long An hiện nay, định hướng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh trong thời gian tới; đánh giá vị trí, thế mạnh du lịch nông thôn Long An trong xây dựng thương hiệu du lịch Long An; phát triển du lịch nông thôn Long An trên cơ sở xây dựng mô hình sinh thái, trải nghiệm giáo dục và sản xuất sản phẩm OCOP đặc thù Long An; phát triển du lịch nông thôn Long An gắn với giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật ẩm thực độc đáo vùng miền tại Long An; phát triển mô hình du lịch sinh thái và chăm sóc sức khỏe từ nguồn dược liệu đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An.
Các chuyên gia du lịch cho rằng, phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng thương hiệu du lịch Long An là hướng đi chiến lược, không chỉ khai thác lợi thế về cảnh quan, văn hóa, và đặc sản địa phương, mà còn góp phần đưa Long An trở thành điểm đến hấp dẫn trong vùng miền Tây Nam bộ. Du lịch nông thôn Long An sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế nổi bật, nhờ vào đặc điểm tự nhiên, văn hóa, và vị trí địa lý của tỉnh. Long An là cầu nối giữa khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
![]() |
Du lịch làng nổi Tân Lập - Mộc Hóa - điểm du lịch đồng quê. |
Ngoài ra, Long An còn sở hữu hệ thống tài nguyên thiên nhiên đa dạng, sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây là hai tuyến sông lớn, tạo điều kiện cho du lịch đường thủy, và hệ thống kênh rạch chằng chịt giúp phát triển loại hình du lịch miệt vườn, khám phá cảnh sắc sông nước. Rừng tràm Láng Sen – khu Ramsar quốc tế, mang đậm nét đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước.
Để phát triển bền vững ngành du lịch, các chuyên gia đề nghị Long An cần xây dựng một thương hiệu du lịch mạnh mẽ, phản ánh đúng bản sắc địa phương và thu hút du khách. Việc xây dựng thương hiệu không chỉ giúp Long An tạo dựng vị thế trên bản đồ du lịch mà còn là công cụ để quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử, và thiên nhiên độc đáo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa cho biết, trong những năm qua, tỉnh Long An đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, so với tiềm năng, du lịch Long An đòi hỏi cần phải có những nỗ lực rất lớn, nhiều hơn nữa trong mục tiêu phát triển thương hiệu, tính chuyên nghiệp cũng như chất lượng tốt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay, trong đó có yếu tố về nhân lực, nhất là về chuyên môn, các kỹ năng nghiệp vụ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin trong thời gian tới, tỉnh Long An sẽ đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa du lịch, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch; liên kết vùng cùng nhau khai thác tài nguyên du lịch của từng địa phương nhằm hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng có tính liên vùng, hấp dẫn, kết nối tạo tour/tuyến, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Long An.
“Kỳ vọng sau Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch lần thứ 2 năm 2024, hình ảnh đất và người Long An, các tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch, ẩm thực đặc trưng, các giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Long An sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Long An tìm kiếm đối tác và nhà đầu tư, đồng thời xúc tiến quảng bá du lịch gắn với bản sắc đặc trưng của Long An” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Tấn Hòa chia sẻ.