Phát hành trực tuyến phim điện ảnh - lựa chọn an toàn của thời dịch Covid-19

00:00 12/10/2020

Phát hành trực tuyến là giải pháp mà các hãng phim thế giới chọn lựa trong thời buổi dịch bệnh kéo dài khiến hoạt động chiếu phim truyền thống gần như bị tê liệt.

Phim Hạt giống thức tỉnh, Pháp sư mù, Mắt biếc đang được chiếu trực tuyến /// Ảnh: ĐPCC

Phim Hạt giống thức tỉnh, Pháp sư mù, Mắt biếc đang được chiếu trực tuyến

Xem phim mùa dịch

Khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu và chưa có dấu hiệu kết thúc, hệ thống rạp chiếu phim ở nhiều quốc gia phải đóng cửa, một giải pháp được nhiều hãng phim lớn thực hiện là đưa phim lên các nền tảng trực tuyến hay thị trường bán lẻ kỹ thuật số sớm hơn dự định, thay vì chờ đợi hệ thống rạp hoạt động trở lại.

“Có những giá trị rạp chiếu phim mang lại mà trải nghiệm xem phim tại gia hẳn sẽ không bao giờ đạt được, nhất là về âm thanh, hình ảnh, không gian khán phòng của rạp…” - Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Không chỉ đưa các phim điện ảnh đã chiếu rạp trước đó lên nền tảng số có thu phí, các hãng sản xuất lớn còn quyết định đưa cả phim mới toanh, chưa từng phát hành ở các rạp lên mạng. Ngoài một vài phim "bom tấn" có kinh phí đầu tư hàng trăm triệu USD như Hoa Mộc Lan, James Bond: No Time to Die, Fast & Furious 9... chỉ có thể chiếu rạp mới mong thu hồi vốn nên bắt buộc phải dời lịch chiếu, các phim mới khác đang được các nhà sản xuất, phát hành đưa lên mạng để tìm kiếm lợi nhuận.

Mới đây nhất, bộ phim hoạt hình của Hãng DreamWorks thuộc Universal là Trolls World Tour đã được chiếu online từ 10.4. Phim phá nhiều kỷ lục về phát hành trực tuyến bởi phù hợp với các gia đình có con nhỏ khi phụ huynh phải ở nhà trông chừng trong mùa dịch. Chỉ với 20 USD, người dùng có thể thuê phim trong 48 giờ. Phim dẫn đầu ở các hệ thống phát hành Amazon, Comcast, Apple, Vudu, Google/YouTube, DirectTV…, lập kỷ lục doanh thu ra mắt online mọi thời đại cao nhất với hơn 40 triệu USD cuối tuần đầu tiên ra mắt (hôm 17.4). Con số này tương đương thành tích mở màn khi chiếu rạp của phần phim trước - Trolls (2016, 46 triệu USD). Điều đó giúp bộ phim có kinh phí lớn này khả quan trong việc thu hồi vốn khi quyết định không dời lịch ra rạp ngày 10.4 mà chuyển sang dịch vụ trực tuyến.

Bom tấn Artemis Fowl của Hãng Disney - có kinh phí đến 125 triệu USD, quay một số cảnh tại TP.HCM - cũng sẽ phát hành trên dịch vụ Disney+ vào đầu hè 2020, thay vì ra rạp như dự kiến. Trước đó, Universal cũng quyết định không đưa bộ phim hành động - lãng mạn The Lovebirds ra rạp, mà phát hành qua Netflix (từ 3.4). Những phim đang chiếu rạp nhưng buộc phải ngừng lại vì đại dịch như Bloodshot cũng được Hãng Sony nhanh chóng đưa lên mạng và các dịch vụ xem truyền hình theo yêu cầu từ ngày 24.3 nhằm cứu vãn doanh thu.

Ngoài ra, hàng loạt phim đã ra rạp trước đó như: Frozen 2, Onward, Emma, The Invisible Man, The Hunt, The Way Back, The Gentlemen, Bad Boys for Life, Birds of Prey, Sonic the Hedgehog... cũng đã được đưa lên nền tảng số mà không cần chờ đến 90 ngày (3 tháng) như trước đây.

Ở Trung Quốc, một số phim điện ảnh như Lạc lối ở Nga, Phi long quá giang... cũng đã được phát hành trên mạng trong tình hình 70.000 rạp chiếu Trung Quốc đóng cửa và đã có tới 2.000 rạp phim phá sản trong 80 ngày qua, theo Apple Daily.

Cơ hội mùa dịch

Dịch bệnh Covid-19 thách thức hệ thống phát hành phim truyền thống tại các rạp chiếu, nhưng mở ra cơ hội cho hình thức phát hành phim thông qua các nền tảng số, giúp nhà sản xuất mở rộng nguồn thu ở thị trường này. Bên cạnh đó, các hãng phim lớn cũng cho biết trước thuận lợi và thời cơ này, họ sẽ phải thay đổi phương thức tiếp cận khán giả xem phim tại nhà để đầu tư, xây dựng những nội dung hướng đến phát hành online.

“Lượng lượt xem YouTube của POPS hiện tăng vọt hơn 22% so với cùng kỳ năm 2019, các ngày trong tuần đều có lượt xem cao, chứ không chỉ vào cuối tuần như trước kia”, bà Trương Tú Ngân, Giám đốc truyền thông của POPS - đơn vị đang đầu tư nhiều nội dung giải trí online, chia sẻ. Ông Phan Lê Trung Tín, đại diện truyền thông FPT Play, cho biết người xem truyền hình trực tuyến trên FPT Play tăng gần 50% so với trước. Netflix tại VN cũng đang được nhiều người lựa chọn và ưa chuộng, vì cập nhật các phim mới “nóng hổi” chiếu cùng thời điểm với thế giới.

Ông Hoàng Hào, đại diện Galaxy Play (tên mới đổi của Fim+), cho biết lượng người xem của kênh tăng đột biến gấp đôi thời điểm trước dịch. Galaxy Play sẽ sớm tiến hành đàm phán, mua bản quyền các phim Việt chiếu rạp mới nhất để chiếu độc quyền trên kênh của mình nhằm tạo sự khác biệt so với các nền tảng khác. Phim Mắt biếc của đạo diễn Victor Vũ đã được chiếu online độc quyền trên Galaxy Play từ ngày 19.4. Trước đó, phim Pháp sư mù của Huỳnh Lập sau 5 tháng công chiếu tại rạp đã có mặt trên Galaxy Play, từ ngày 27.3.

Bộ phim điện ảnh Hạt giống thức tỉnh của Tinna Tình dự kiến công chiếu ở tất cả rạp chiếu phim trên toàn quốc nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tinna Tình (trong 3 vai trò: viết kịch bản, đạo diễn và diễn xuất) cùng nhà đầu tư Camly Media đã quyết định chiếu phi lợi nhuận bộ phim này trên kênh YouTube để bất kỳ ai cũng có thể xem, với mong muốn “thông điệp trong phim về sự thức tỉnh được đến với tất cả mọi người”.

Tuy nhiên, nhìn nhận về việc phát hành phim trên nền tảng kỹ thuật số, giới phê bình quốc tế cho rằng đây thực tế chỉ là giải pháp tạm thời bởi phiên bản online không thể mang lại doanh thu khổng lồ như đem phim chiếu ngoài rạp.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định: “Cũng không cần bi quan về tương lai phim chiếu rạp, bởi ai thích xem phim tại nhà vẫn xem và ai muốn thưởng thức điện ảnh ở rạp vẫn sẽ đến rạp, trước nay vốn là vậy rồi bởi mỗi kiểu có cái thú vị riêng. Có những giá trị rạp chiếu phim mang lại mà trải nghiệm xem phim tại gia hẳn sẽ không bao giờ đạt được, nhất là về âm thanh, hình ảnh, không gian khán phòng của rạp…”.

Phan Cao Tùng