Pháp - thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt lớn trong năm 2022

11:18 22/12/2021

Pháp - quốc gia thuộc EU nổi tiếng về nền ẩm thực hàng đầu thế giới đang có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt tương đối lớn trong năm tới bởi những lý do cả chủ quan và khách quan xoay quanh nhu cầu nội địa và hiệp định thương mại tự to EU-Việt Nam đã có hiệu lực vào năm nay.

Các món ăn Việt trong 1 bữa ăn của 1 Việt Kiều tại Pháp
Các món ăn Việt trong 1 bữa ăn của 1 Việt Kiều tại Pháp. (Ảnh: Vogue) 

Cụ thể, Pháp không những là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất khu vực EU với nhu cầu hàng năm khoảng 600.000 tấn chiếm hơn 1/3 nhu cầu nhập khẩu của khu vực khó tính này mà còn là thị trường xuất khẩu lớn của gạo Việt. Với những thuận lợi như vậy nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn chưa thực sự tận dụng được cơ hội ở thị trường Pháp khi sản lượng xuất khẩu mặt hàng này mới chiếm khoảng 2,1% thị phần. 

Thêm vào đó, cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có ghi rõ ràng Liên minh châu Âu dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Dù vậy, chúng ta vẫn chưa tận dụng được triệt để ưu thế do EVFTA mang lại. Lý do to lớn dẫn đến hiện trạng này là do doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt chưa tìm ra phương thức tiếp cận hiệu quả với đối tác tiềm năng để giới thiệu sản phẩm, cụ thể, gạo Việt mới hiện diện tại các cửa hàng và chuỗi bán lẻ quy mô nhỏ với giá thành rẻ, và chưa có tại hệ thống đại siêu thị tại Pháp.

Theo thông tin tổng hợp thì mới chỉ có 6 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp thành công gạo qua Pháp cho 16 đối tác nước này. Các nhà chuyên môn cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt đang gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ và sự cạnh tranh gắt gao của các đối thủ trên thị trường. Mặt hàng này của chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu cho riêng mình ở quốc gia châu Âu này. Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng của người dân tại EU cũng như Pháp ưa chuộng các loại gạo đến từ Ấn Độ do lịch sử tồn tại lâu dài của đối thủ lớn này ở thị trường này. Ngoài ra, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng cao hơn các mặt hàng cùng loại trên thị trường. Thêm vào đó, các quy định khắt khe của Liên minh châu Âu về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định kiểm dịch thực vật và bao bì đóng gói cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt. 

Ở một góc độ tích cực hơn thì các nhà chuyên môn tại Pháp cho rằng, còn rất nhiều cơ hội cho gạo Việt gia tăng thị phần ở nước này vào năm 2022 sắp tới.

Giới chuyên môn có đưa ra những lời khuyên bổ ích cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt sang Pháp, cho dù được hưởng ưu đãi thuế quan, việc gia tăng xuất khẩu gạo vào Pháp - 1 thị trường khó tính bậc nhất EU đòi hỏi chúng ta phải có kế hoạch bài bản và dài hạn.

Đầu tiên, doanh nghiệp xuất khẩu cần dành thời gian nghiên cứu và phát triển thị trường và chi phí tài chính để đạt chứng chỉ tiêu chuẩn của EU. Ngoài ra, doanh nghiệp cần khắc phục ngay những khó khăn về ngôn ngữ, tiếp cận đối tác nhập khẩu để giới thiệu sản phẩm thông qua đội ngũ tư vấn tại Pháp. Sau khi có khách hàng, tiếp tục xây dựng kế hoạch dài hạn hơn về thành lập chi nhánh hoặc có đại diện thương mại tại nước sở tại.

Bên cạnh đó, việc đánh giá và đặt mục tiêu rất quan trọng để xác định rõ sản phẩm, quy mô sản xuất, kinh phí và phân bổ, nhân sự cho dự án, chuyên môn, kinh nghiệm. Quan trọng hơn là doanh nghiệp xuất khẩu phải có sự chuẩn bị trước về tìm hiểu luật thương mại, điều khoản thanh toán phù hợp, người phiên dịch và chuyên viên hỗ trợ đàm phán nếu yếu về luật.

Bảo Thu