Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Đà Nẵng nghiên cứu các loại giống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VGP/Minh Trang
Hai nút thắt lớn nhất: Vốn và đất
Ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Nẵng chia sẻ vốn đầu tư thực sự là trở ngại lớn nhất của người nông dân. Chính sách thì đã có nhưng vẫn cần một nguồn vốn đối ứng khá lớn. Thực tế, người nông dân rất khó có được mấy trăm triệu hoặc cả tỷ bạc để đầu tư. Chính vì thế, trong chính sách, cần nâng mức hỗ trợ đối với cá nhân để tạo điều kiện cho nông dân đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện nay dù có nhiều chính sách tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp (DN) vay vốn từ ngân hàng thương mại, nhưng việc vay vốn gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều đòi hỏi người nông dân khi vay vốn phải có tài sản thế chấp nên rất khó cho nông dân hoặc DN muốn tiếp cận được nguồn vốn vay lớn để đầu tư, ông Vân nói thêm.
Với kinh nghiệm nhiều năm đầu tư trong nông nghiệp, ông Huỳnh Văn Mười, Giám đốc HTX Kim Thanh cho biết thực tế người nông dân do ít vốn nên mỗi khi đầu tư, họ rất e ngại rủi ro, đặc biệt là rủi ro từ thiên tại. Với địa phương thường xuyên có bão như Đà Nẵng, thì rủi ro thất thoát tài sản là rất lớn. Vì vậy, chính quyền cần lựa chọn, thiết kế những mô hình sản xuất phù hợp để họ lường trước được rủi ro.
Còn đối với DN, vướng mắc lớn nhất là vấn đề đất đai.
Theo ông Nguyễn Đình Khánh Vân, khi có nhu cầu đầu tư, DN đều muốn có mặt bằng sạch. Tuy nhiên các vùng, khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) chỉ vừa mới được quy hoạch hoặc đang trong quá trình quy hoạch nên còn nhiều vướng mắc về giải toả mặt bằng, phương án đền bù. DN phải đi thuê hoặc mua đất của người dân thì chi phí rất cao. Vì vậy, đa số DN đều mong muốn có mặt bằng sạch để đầu tư.
Có thể tiếp cận nguồn vốn từ các sở, ngành
Về việc tăng nguồn vốn cho các dự án đầu tư, bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP. Đà Nẵng nói: “Các HTX có thể nghiên cứu chính sách của các sở, ngành để có thêm nguồn vốn chứ đừng chỉ trông chờ vào nguồn vốn vay theo chính sách. Vì khi đi vay rất nhiều cái vướng hoặc vay lại cần phải có thế chấp… Vì vậy, Sở KH&CN sẵn sàng hướng dẫn, tư vấn cho HTX về vấn đề này”.
Ông Đặng Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng cho biết thêm một số DN, hộ nông dân chưa tiếp cận được Nghị quyết 104 của HĐND Thành phố thì có thể tiếp cận Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất".
Tại huyện Hoà Vang, chỉ cần DN có mô hình có ứng dụng công nghệ cao và nằm trong quy hoạch của huyện thì sẽ được hỗ trợ ngay. Chẳng hạn, một số mô hình đã được hưởng lợi từ Đề án này như mô hình trồng rau của Công ty Happy Farm (Hoà Khương); mô hình trồng rau, dưa tại Hoà Ninh, Hoà Phú; mô hình hoa treo tại Hoà Châu...
Đối với những DN đã đăng ký nhưng vẫn chưa triển khai được dự án, ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Ninh (Hòa Vang) đề xuất Thành phố cần quy hoạch sớm, phải phóng triệt để những diện tích đất còn vướng trong dân để sớm giao mặt bằng sạch cho DN. Bên cạnh đó, UBND Thành phố, các sở ngành liên quan nghiên cứu hướng dẫn thủ tục, quy trình cụ thể để DN thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang Đặng Phú Hành, việc hút DN đầu tư nếu không có mặt bằng sạch sẽ khó khả thi. Vì vậy, về lâu dài, Thành phố có thể thí điểm bố trí ngân sách thu hồi 10-20 ha trong vùng quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng điện, nước, đường giao thông nội vùng... tương tự như khu công nghệ cao rồi mới kêu gọi đầu tư. DN đầu tư thí điểm trong một thời gian nếu đạt hiệu quả thì tiếp tục cho đầu tư, còn không thì thu hồi.
“Ở mảng thu hút đầu tư NNCNC, huyện đang xúc tiến thành lập Tổ hỗ trợ do chính Phó Chủ tịch huyện làm Tổ trưởng, khi người dân, DN có nguyện vọng đầu tư, Tổ sẽ nhanh chóng hỗ trợ để xúc tiến dự án một cách tốt nhất và thuận lợi nhất”, ông Đặng Phú Hành nói.
Bên cạnh đó, huyện Hòa Vang đang xin Thành phố chủ trương được tự chủ quyết định đồng ý cấp phép đầu tư cho dự án NNCNC quy mô dưới 5 ha để tạo sự thông thoáng, nhánh chóng và giúp cho người dân của huyện mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.
Khi đầu tư vào NNCNC, nông dân không nhất thiết chỉ đầu tư mô hình nhà kính. Ảnh: VGP/Minh Trang
Nông nghiệp công nghệ cao không phải chỉ là nhà kính
Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc SKH&CN TP. Đà Nẵng, khi nói đến làm NNCNC, nông dân thường e ngại đầu tư lớn vì họ cho rằng "đó là phải đầu tư hệ thống nhà kính".
“Ứng dụng công nghệ cao không nhất thiết phải đầu tư nhà kính mà còn là việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hoá và giống trong sản xuất”, bà Hậu cho biết.
Nói thêm về điều này, bà Hậu chia sẻ: “Với điều kiện khí hậu nắng nóng của miền Trung, nếu ta bê nguyên mô hình nhà kính như nơi khác thì phải đầu tư thêm hệ thống làm mát để giảm nhiệt độ. Điều này sẽ phát sinh chi phí. Vì vậy ta nên nghiên cứu để chọn mô hình phù hợp”.
Hiện Sở KH&CN đang kêu gọi các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu mô hình nhà lưới, nhà kính thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực miền Trung để giảm rủi ro đến mức thấp nhất cho các nhà đầu tư.
Chia sẻ thêm về vấn đề này tại hội nghị khuyến nông tổ chức tại Đà Nẵng, ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: “Không nên quá máy móc khi nói đến NNCNC là phải làm nhà lưới, nhà kính. Tai có thể trồng rau ngay trên cánh đồng và áp dụng cách tưới nhỏ giọt, tưới tự động hoặc sử dụng quy trình kỹ thuật để "tránh" thời điểm thời tiết không thuận để sản xuất”.
Minh Trang