Nỗ lực để giúp doanh nghiệp yên tâm hơn về môi trường kinh doanh

16:05 27/06/2023

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME nhận định, việc không để 'lợi ích nhóm' cài cắm trong các quy định sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm hơn vào môi trường kinh doanh, tự tin vào chính quyết định của mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận chính sách

Thời gian qua, nhờ những chính sách nhanh và quyết liệt từ Chính phủ, cộng động doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn chung đã có những tín hiệu tích cực. 

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm năm 2023, một số ngành dịch vụ như vận tải, du lịch nội địa, kinh doanh ăn uống, lưu trú đã có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng; giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; duy trì mặt bằng tỷ giá, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực vốn đang chịu nhiều biến động; bảo đảm các cân đối lớn, an ninh năng lượng, lương thực. Đây là yếu tố rất tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) luôn tin tưởng vào sự điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trước viễn cảnh tình hình thế giới, trước những ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid19, trong khi nền kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn thách thức.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã có những kết quả khảo sát chung, cho thấy 80% doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng “đói vốn”.

Nhận định về vấn đề này, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) có những chia sẻ với Mekong ASEAN rằng: “Bối cảnh hiện nay đã tác động lớn đến tâm lý của người làm kinh doanh, từ đó tác động đến ý chí quyết tâm của họ. Mà ý chí, quyết tâm là yếu tố quyết định để một doanh nghiệp vạch ra kế hoạch kinh doanh của mình. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng chân để nghe ngóng, cầm chừng".

Ảnh minh họa
T.S Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).
Số liệu 5 tháng đầu năm 2023 cho thấy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, bình quân một tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo ông Tô Hoài Nam, điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp.

Khi mổ xẻ những nguyên nhân, Phó Chủ tịch Thường trực VINASME chỉ ra rằng, các chính sách được ban hành trong thời gian qua đã có định hướng đúng đắn. Những dự liệu tầm vĩ mô của lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước đã đưa ra chủ trương, giải pháp ứng phó kịp thời, nhạy bén, trong đó có một loạt chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành.

“Nhưng đáng tiếc là công tác truyền thông chính sách còn chưa đầy đủ, nên số doanh nghiệp hiểu được các chính sách một cách cụ thể, rõ ràng để chuyển hóa thành động lực, hành động còn hạn chế”, TS. Tô Hoài Nam nhìn nhận.

Một trong các điểm nghẽn khiến chính sách chưa thực sự thẩm thấu tới doanh nghiệp, được TS. Tô Hoài Nam lý giải nằm ở khâu triển khai tham vấn đối với việc ban hành chính sách. Nguyên nhân theo ông là Việt Nam đã có quy trình tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trước khi ban hành nhưng làm chưa thật sự kỹ lưỡng.

"Lâu nay, các bộ, ngành, địa phương trước khi ban hành văn bản pháp luật nào đó đều tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Tuy nhiên, tới đây, công tác lấy ý kiến này cần thực chất hơn; lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp nhiều hơn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời phải huy động đội ngũ chuyên gia trong xây dựng, góp ý các văn bản pháp luật. Nói thì dễ, làm mới khó và thực tế cho thấy hiện không phải cơ quan nào cũng cầu thị trong tiếp thu ý kiến xây dựng các văn bản", TS.Tô Hoài Nam nhận định.

Không để “lợi ích nhóm” cài cắm trong các quy định

Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta, đã và đang bị bào mòn bởi những khó khăn từ tình hình thế giới cũng như từ nội tại trong nước vì nhiều quy định, thủ tục không phù hợp.

Trong bối cảnh đó, TS. Tô Hoài Nam cũng như rất nhiều doanh nghiệp đã dành sự quan tâm đặc biệt tới Kỳ họp thứ Năm vừa qua cũng như những thông điệp, yêu cầu mà Chủ tịch Quốc hội đặt ra để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Chia sẻ với Đại biểu nhân dân, TS.Tô Hoài Nam cho biết: "Kỳ họp đã thể hiện trước hết ở việc Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn với việc thông qua 8 luật và 17 nghị quyết, đồng thời cho ý kiến lần đầu vào 8 dự thảo luật và cho ý kiến lần hai với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tổng cộng có 20 văn bản quy phạm pháp luật đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội là một con số kỷ lục. Trong số 8 luật thông qua, có những luật gắn liền với chính sách phát triển kinh tế như Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Hợp tác xã… Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của Quốc hội với mặt trận kinh tế. Việc thông qua các luật mới này sẽ góp phần mở đường cho quá trình phát triển đất nước".

Cùng với đó, Quốc hội cũng đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng như tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế VAT đến hết năm nay; cho phép phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, địa phương để bổ sung vốn cho nền kinh tế…

Cá nhân TS. Tô Hoài Nam đặc biệt ấn tượng với hai yêu cầu Chủ tịch Quốc hội đặt ra trong bài phát biểu bế mạc. Đó là phải tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Tham nhũng chính sách, cài cắm “lợi ích nhóm” đang trực tiếp làm méo mó, hủy hoại môi trường kinh doanh và là điều khiến các doanh nghiệp đặc biệt lo sợ. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phá sản vì những chính sách như thế. Hơn nữa, doanh nghiệp nhỏ và vừa có mối quan hệ xã hội hạn chế hơn các tập đoàn lớn. Nếu không chống được “tham nhũng chính sách”, “lợi ích nhóm” sẽ không thể tạo ra sự công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp này tồn tại và phát triển.

"Bởi vậy chúng tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rằng 'tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách', không để 'lợi ích nhóm' cài cắm trong các quy định. Nếu làm tốt sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm hơn vào môi trường kinh doanh, tự tin vào chính quyết định của mình", TS.Tô Hoài Nam nhận định.

Theo kế hoạch, trong quý III.2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị toàn quốc để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm. 

Chia sẻ với Đại biểu nhân dân, TS.Tô Hoài Nam cũng như rất nhiều doanh nghiệp trông đợi vào hội nghị này, để những quyết sách Quốc hội đã ban hành sẽ nhanh chóng được triển khai, chấm dứt tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn.

Bảo Linh (t/h)