Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận được thành lập dựa trên đề án tổ chức lại Văn phòng Phát triển kinh tế Sở Kế hoạch- Đầu tư, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Sở Công Thương và Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Sở VH-TT&DL.
![]() |
Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận |
Ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm, cho biết sau một năm đi vào hoạt động, lĩnh vực xúc tiến đầu tư được đổi mới nội dung, phương thức, có trọng tâm, trọng điểm. Trung tâm đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình xúc tiến thương mại và du lịch năm 2024 và phê duyệt danh mục 55 dự án ưu tiên làm cơ sở để kêu gọi đầu tư.
![]() |
Các hoạt động xúc tiến đầu tư được Trung tâm tổ chức thường xuyên tại TP.HCM và các tỉnh thành khác trong cả nước |
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh tiếp đón và làm việc với trên 30 lượt các nhà đầu tư, các đoàn công tác trong nước và quốc tế, các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán các nước đến Ninh Thuận tìm hiểu tiềm năng, lợi thế và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh; đã hướng dẫn thủ tục đầu tư cho 20 nhà đầu tư đăng ký các lĩnh vực năng lượng tái tạo, đô thị, nông nghiệp, du lịch.
Kết quả, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp chủ trương đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn hơn 24.000 tỉ đồng, lựa chọn nhà đầu tư cho năm dự án với tổng vốn 7.800 tỉ đồng và ký kết ghi nhớ bảy dự án với tổng vốn đầu tư hơn 120.000 tỉ đồng.
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã lên kế hoạch xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận năm 2025.
Trở thành trung tâm năng lượng sạch
Theo đó, công tác xúc tiến đầu tư cần gắn chặt với quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực của tỉnh. Thu hút đầu tư có chọn lọc phù hợp với mục tiêu, yêu cầu trong tình hình mới.
Cụ thể, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt về năng lượng tái tạo, hạ tầng truyền tải, công nghệ lưu trữ năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ chế biến, chế tạo; du lịch theo hướng bền vững, du lịch trải nghiệm, kinh tế biển.
Tận dụng thế mạnh của một Trung tâm năng lượng lớn của quốc gia và lợi thế về giao thông, xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước, trung tâm dịch vụ công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.
Phát triển tổ hợp công nghiệp chế tạo xanh, công nghiệp phụ trợ, Trung tâm công nghiệp xanh - NetZero; trung tâm sản xuất chip bán dẫn, công nghệ trí tuệ AI; trung tâm dữ liệu quốc gia, khu vực và thế giới.
Tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, dự án đầu tư xanh, có giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại, tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đề cao trách nhiệm với xã hội và bảo vệ môi trường.
![]() |
Trung tâm làm việc với các tổ chức nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư |
Tiếp tục gắn kết với các bộ, ngành và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội và các tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: KOCHAM, AMCHAM, EUROCHAM, INCHAM… để tham gia các hoạt động, chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore và các nước Châu Âu, …
Tận dụng lợi thế của việc đưa cao tốc Cam Lâm- Vĩnh Hảo vào khai thác để cải thiện kết nối giữa Ninh Thuận và các khu vực kinh tế trọng điểm, tăng cường hiệu quả xúc tiến đầu tư liên vùng.
Tiếp tục tập trung xúc tiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài truyền thống như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Hoa Kỳ, các nước Châu Âu... đang có nhu cầu tái cơ cấu chuỗi cung ứng.
Đón đầu dòng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, cũng như sự chuyển dịch đầu tư từ các tỉnh phía Nam về Ninh Thuận đối với một số ngành nghề tỉnh có lợi thế, quỹ đất trong khu công nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Tăng trưởng xanh gắn với chuyển đổi số
Thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, tạo động lực tăng trưởng dài hạn, đặc biệt một số ngành, lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, hydrogen, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo ông Trương Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, tỉnh sẽ thực hiện khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời đổi mới, đa dạng hóa các phương thức thực hiện, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại liên vùng, liên kết khu vực, các hoạt động xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu nhằm hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch.
Đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch thân thiện.
Tập trung triển khai quyết liệt các hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế, đặc biệt là các thị trường: Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản... phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào các khu, điểm du lịch theo quy hoạch và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối phù hợp, các sản phẩm du lịch đặc thù. Đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm và quảng bá, xúc tiến du lịch.
Tăng cường liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, trọng tâm là vùng kinh tế Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm tận dụng nguồn lực và lợi thế giữa các địa phương lân cận, hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng.
Phải xúc tiến đầu tư hiệu quả
Mọt trong những công tác trọng tâm của tỉnh Ninh Thuận thời gian tới là nghiên cứu tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.
![]() |
Một trong những nhà bán lẻ lớn đã đầu tư vào Ninh Thuận |
Trong đó, tiếp tục nghiên cứu xây dựng các đề án, báo cáo để thu thập các thông tin số liệu, xu hướng đầu tư FDI vào Việt Nam; xác định rõ nhu cầu của từng đối tác để có phương thức, kênh liên lạc và hình thức xúc tiến hiệu quả.
Theo đó, tỉnh sẽ chủ động tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu trong và ngoài nước; tham gia các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài do các Bộ, ngành Trung ương tổ chức.
Tiếp tục đẩy mạnh khảo sát, tiếp đón và làm việc với các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn, tổng công ty có tiềm lực tài chính và năng lực, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực trong và ngoài nước để kêu gọi đầu tư vào tỉnh.
Đẩy mạnh tìm kiếm, khảo sát, tổng hợp thông tin, chủ động kết nối vùng trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, các tỉnh, thành phố lớn.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ thường xuyên cập nhật các định hướng thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư, kết quả đánh giá các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng đồng bộ, khoa học, dễ tiếp cận, dễ tra cứu đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Xây dựng kênh thông tin giải đáp trên website của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, zalo OA của Trung tâm để hướng dẫn trả lời trực tuyến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn tìm hiểu để đầu tư vào tỉnh...