So với năm 2023, Ninh Thuận có sự cải thiện đáng kể ở nhiều chỉ số thành phần. Cụ thể chỉ số Tính minh bạch: Tăng từ 5,87 lên 6,84 điểm, cho thấy sự tiến bộ trong việc cung cấp thông tin và minh bạch hóa các quy trình hành chính giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin cần thiết.
![]() |
Ninh Thuận nằm trong Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2024 |
Chi phí thời gian (8,67 điểm), đây là chỉ số có điểm số cao nhất của Ninh Thuận trong năm 2024, tăng mạnh từ 7,86 điểm năm 2023. Điều này phản ánh nỗ lực cải cách hành chính, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục và nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp.
Cạnh tranh bình đẳng (7,08 điểm) Tăng từ 6,46 điểm năm 2023, phản ánh môi trường kinh doanh ngày càng công bằng hơn cho các doanh nghiệp, không phân biệt quy mô hay thành phần kinh tế.
Tính năng động của chính quyền (7,41 điểm) Tăng nhẹ từ 7,38 điểm năm 2023, cho thấy chính quyền tỉnh tiếp tục duy trì sự chủ động và linh hoạt trong điều hành kinh tế.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (6,00 điểm), tăng từ 5,84 điểm năm 2023, thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ ngày càng tốt hơn từ chính quyền đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Đào tạo lao động (6,26 điểm), Tăng nhẹ từ 6,22 điểm năm 2023, cho thấy tỉnh đã chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Để đạt được những kết quả trên, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ: Cải cách thủ tục hành chính: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và đơn giản hóa quy trình.
Việc giải quyết hồ sơ 1 cửa, ứng dụng số hóa đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều về thời gian và tránh được các thủ tục nhũng nhiễu. Ông Lê Vy – GĐ Công ty TNHH Hoa Sen - một chủ doanh nghiệp chuyên về đầu tư giáo dục tại Ninh Thuận chia sẻ tại sự kiện “Gặp mặt doanh nghiệp” quý 1/2025 cho biết: Tôi rất cám ơn các sở ban ngành tại tỉnh Ninh Thuận. Tôi thấy môi trường cải cách đầu tư của Ninh Thuận rất tốt. Sau một thời gian nộp hồ sơ thì tôi được nhận quyết định đầu tư trường mà không cần gặp gỡ bất cứ sở ban ngành nào và cũng không gửi lời riêng tư đề nghị bất cứ chuyện gì. Hồ sơ nhận công khai tại cổng thông tin. Tôi thấy một sự nỗ lực rất lớn của các lãnh đạo nơi đây.
![]() |
Ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - luôn xác đinh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ đột phá thúc đẩy tăng trường |
Ông Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Ninh Thuận xác định là 1 trong những giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh thời gian qua.
Do đó Tỉnh và các sở ban ngành hàng tháng, hàng quý luôn tổ chức các cuộc gặp mặt doanh nghiệp để lắng nghe doanh nghiệp vướng chỗ nào gỡ ngay chỗ đó. Nếu nghe thì nghe tận cùng vấn đề để hiểu bắt đầu từ đâu? Sai ở đâu? Nếu nghe hời hợt không thể giải quyết cho doanh nghiệp được. Nhà nước cứ đủng đỉnh, bình tĩnh, từ từ thì thiệt hại vô cùng lớn cho cộng động doanh nghiệp.
Việc phân vai, phân quyền, phân nhóm ngành, lĩnh vực cho các Phó Chủ tịch tỉnh là cách để tháo gỡ nhanh những khó khăn cho doanh nghiệp. Tỉnh đã nâng cao năng lực cán bộ: tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ Ninh Thuận chia sẻ: tỉnh Ninh Thuận trong thời gian gần đây có rất nhiều tiến bộ trong cải cách các thủ tục hành chính, rút ngắn 30% thời gian cho doanh nghiệp khi đến đầu tư tại địa phương nhờ các đầu mối về một cửa, các thủ tục đầu tư, được hướng dẫn cụ thể. Các tháo gỡ vướng mắc khó khăn về xây dựng, thủ tục đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng được giải quyết rất nhanh.
Vươn lên trong cải cách điều hành và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các địa phương, tỉnh Ninh Thuận đã thể hiện quyết tâm và nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một thước đo quan trọng phản ánh chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của địa phương.
![]() |
Bảng xếp hạng PCI theo thời gian của Ninh Thuận phản ánh đúng, khách quan sự nỗ lực của cả tập thể cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp cùng chung tay vì sự phát triển kinh tế |
Nhìn vào chỉ số đánh giá PCI qua các năm từ 2019 – 2024, Ninh Thuận cho thấy sự biến động của chỉ số PCI của tỉnh Ninh Thuận có được chỉ số năng lực cạnh tranh cao qua các năm.
Năm 2019: Tỉnh đạt 63,68 điểm, xếp hạng 47/63, thuộc nhóm trung bình.
Năm 2020: Điểm số tăng lên 64,08, xếp hạng 45/63, vẫn trong nhóm trung bình.
Năm 2021: Tiếp tục tăng nhẹ lên 64,23 điểm, nhưng thứ hạng giảm xuống 49/63.
Năm 2022: Đạt 65,43 điểm, xếp hạng 30/63, lần đầu tiên lọt vào top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước.
Năm 2023: Tăng mạnh lên 69,10 điểm, xếp hạng 11/63, tăng 19 bậc so với năm 2022 và 38 bậc so với năm 2021, đạt thứ hạng cao nhất trong 18 năm qua.
Giai đoạn 2019–2021, chỉ số PCI của Ninh Thuận có xu hướng tăng nhẹ về điểm số nhưng thứ hạng không ổn định, phản ánh những thách thức trong cải cách hành chính và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 2022, tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt là năm 2023 với mức tăng ấn tượng cả về điểm số và thứ hạng đứng thứ 11 toàn quốc và thứ 2 khu vực Duyên hải Miền trung.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ Ninh Thuận luôn đánh giá cao môi trường kinh doanh tại Ninh Thuận |
Ông Nguyễn Thanh Hồng một lần nữa khẳng định so với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này lãnh đạo Ninh Thuận đã đồng hành, hành động cùng doanh nghiệp rất quyết liệt, lãnh đạo địa phương chuyển từ trạng thái quản lý sang phục vụ, trước thì thủ tục chậm chạp, làm việc chưa chủ động. Ninh Thuận tuy chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư nhưng các doanh nghiệp được quan tâm đồng nhất trong tháo gỡ khó khăn từ trước, trong, sau đầu tư để giúp doanh nghiệp tin tưởng môi trường đầu tư của tỉnh.
Song song với việc cải cách thể chế, hạ tầng giao thông được đầu tư và kết nối mạnh trong tỉnh và khu vực “rút ngắn khoảng cách vùng, miền”. Tỉnh Ninh Thuận đã và đang hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn với việc đưa vào hoạt động hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, như: dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam dài 61,5 km tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Dự án tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải, có chiều dài 13,077 km, thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Dự án đường Vành đai phía Bắc có chiều dài 10,42 km, thuộc xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc…
Việc này đảm bảo cho giao thông luôn được thông suốt, cự ly vận chuyển được rút ngắn, giúp giảm chi phí vận chuyển, giao thương và trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền được thuận tiện, dễ dàng và nhanh chóng, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
![]() |
Cảng biển tổng hợp Cà Ná - là một trong những cảng biển lớn của Tỉnh Ninh Thuận |
Nhân dịp được VCCI công bố là tỉnh đứng thứ 13/63 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã viết thư cám ơn Cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. “Đây là kết quả đáng khích lệ, phản ánh sự đồng hành, tin tưởng và đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Chính sự đánh giá khách quan, đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư đã giúp Ninh Thuận giữ được vị trí thứ hạng cao, xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố vào năm 2024. Đây là động lực và sự khích lệ to lớn cho cả bộ máy chính quyền tỉnh Ninh Thuận để tiếp tục nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kinh tế tư nhân được khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò tiên phong trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, xây dựng các ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận xác định cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục là lực lượng tiên phong, đồng hành cùng địa phương trên hành trình hội nhập sâu rộng, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Chúng tôi cam kết tiếp tục cải cách hành chính toàn diện, chuyển đổi số mạnh mẽ, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo chất lượng phục vụ của chính quyền; tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng đồng hành, đóng góp và sẻ chia những thành công với phương châm “Thành công của các bạn cũng là thành công của chúng tôi”, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh.
Hành trình cải thiện chỉ số PCI của Ninh Thuận trong 5 năm qua cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng của lãnh đạo tỉnh trong việc nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh. Sự bứt phá trong năm 2023 là minh chứng cho hiệu quả của các chính sách và giải pháp đã triển khai. Để duy trì và phát huy thành quả này, Ninh Thuận cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo và kiên định trong công cuộc cải cách, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng.
Thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận năm 2024: Trong năm 2024, Ninh Thuận đã thu hút tổng cộng 1.214 triệu USD vốn FDI, đưa tỉnh vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây là kết quả của các hoạt động xúc tiến đầu tư hiệu quả, bao gồm việc tổ chức thành công các hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tại Đồng Nai và TP.HCM, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước Tính đến cuối năm 2024, Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 472 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 238.000 tỷ đồng. Trong đó, 346 dự án đã đi vào hoạt động, chiếm tỷ lệ 73,3%; 78 dự án đang triển khai theo tiến độ được duyệt; và 48 dự án đang hoàn tất thủ tục để triển khai. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Ninh Thuận tập trung phát triển 5 ngành, lĩnh vực trọng điểm: năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và kinh tế đô thị. Tỉnh cũng xác định kinh tế biển và kinh tế đô thị là hai nhóm ngành động lực, hướng tới mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành một trong những địa phương mạnh về biển Các lĩnh vực trọng điểm Năng lượng tái tạo: Ninh Thuận đã thu hút 55 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng vốn đăng ký 125.015 tỷ đồng, chiếm hơn 52% tổng vốn đầu tư của tỉnh. Thương mại, dịch vụ, du lịch: 139 dự án với tổng vốn đăng ký 52.300 tỷ đồng. Công nghiệp, xây dựng: 110 dự án với tổng vốn đăng ký 48.424 tỷ đồng Nông, lâm, thủy sản: 63 dự án với tổng vốn đăng ký 5.218 tỷ đồng |