Niềm tin chính phủ, "vũ khí" chống dịch của New Zealand

11:36 31/08/2021

Tại New Zealand, mặc dù đã thực hiện một số hạn chế nghiêm ngặt nhất trên thế giới nhưng chính quyền thủ tướng Jacinda Ardern vẫn mong đợi vào thiện chí của người dân một lần nữa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Cuộc họp giao ban lúc 1 giờ chiều giữa các nhà chức trách nhằm cập nhật thông tin mới nhất về diễn biến dịch bệnh trong ngày. Chuyên gia truyền thông khoa học Rebecca Priestley, thuộc Trung tâm Khoa học trong Xã hội của Đại học Victoria cho biết: “Cuộc họp đã trở thành một loại hiện tượng văn hóa. Chúng tôi nhận được thông tin trực tiếp từ thủ tướng và y tế cùng các đại diện khác theo một cách khá khác lạ”. Trong năm qua, những cuộc họp đã trở thành một chủ đề nghiên cứu xem xét cách thức truyền thông chính trị có thể tạo niềm tin và huy động nhân dân.

Sau khi phát hiện một trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ngày 17 tháng 8, New Zealand đã đóng cửa toàn quốc. Tính đến thứ hai, nước này ghi nhận 562 trường hợp. Đây là đợt bùng phát đầu tiên trong hơn một năm và đang trên đà trở thành làn sóng dịch lớn nhất. Thủ tướng Ardern phát biểu rằng Auckland, thành phố lớn nhất của đất nước, có khả năng vẫn giữ cảnh báo cấp 4 trong ít nhất hai tuần nữa.

May mắn là, người dân New Zealand hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận của chính phủ. Cuộc thăm dò gần đây cho thấy chính sách đóng cửa chống dịch đã nhận được ủng hộ tư 84% dân số. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng động thái này của New Zealand đồng nghĩa với thế “tự cô lập”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lòng tin đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia đang trỗi dậy từ đại dịch cũng như thúc đẩy cơ hội giải quyết vô số vấn đề khác.

Trên thực tế, lòng tin vào quốc gia và chính phủ ở một số khu vực đã bị lung lay trong nhiều năm. Năm ngoái, tại Vương quốc Anh, chỉ số niềm tin đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Ở Hoa Kỳ có xu hướng giảm trong 60 năm. Thậm chí, với một số quốc gia, đại dịch Covid-19 đã làm rạn nứt thêm niềm tin vốn đã mong manh. Một nghiên cứu của Pew Research năm ngoái cho thấy người dân ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, bao gồm 88% người Mỹ tin rằng xã hội mà họ đang sống bị chia rẽ nhiều hơn so với trước đại dịch. Kể từ khi gia tăng ca mắc Covid-19, “bong bóng niềm tin” đã giảm trở lại 15 điểm phần trăm ở Anh, 11 điểm ở Canada và 6 ở Mỹ.

Ngược lại với trường hợp của New Zealand. Theo Pew Research, 75% người dân tại đây tin tưởng xã hội thống nhất hơn vào năm 2020 so với thời tiền Covid. Các nhà nghiên cứu tiến hành đo lường lòng tin của New Zealand trước và sau khi đóng cửa đã phát hiện ra mức độ tin tưởng vào khoa học, nhà nước, cảnh sát và lòng yêu nước đều cao hơn.

Các nhà khoa học xã hội chỉ ra các câu hỏi về lòng tin xã hội mang lại những tác động quan trọng. Ví dụ, những người có mức độ tin tưởng cao hơn vào chính phủ sẽ sẵn sàng tiêm vaccine. Nhà nghiên cứu Chapple nhận định: “Đối với bất kỳ thay đổi chính sách quan trọng, cần có sự đồng thuận của cộng đồng vượt qua ranh giới chính trị. Những thách thức to lớn khác, chẳng hạn như khủng hoảng khí hậu, sẽ đòi hỏi những cuộc cách mạng trong hành vi trong tương lai. Khi người dân không tin tưởng các nhà lãnh đạo, các tổ chức hay đơn giản trong cộng động địa phương, sẽ rất khó để giải quyết các vấn đề xã hội cần tới hành động tập thể”. Chapple bổ sung: “Có một dữ liệu mà các nhà khoa học xã hội gọi là hiệu ứng Matthew về niềm tin vào các tổ chức tín nhiệm cao”.

Sự tin tưởng vào chính phủ phụ thuộc vào loạt yếu tố phức tạp như hiệu quả kinh tế, bất bình đẳng, chính trị, xã hội,... và rất khó để đánh giá cụ thể. Lịch sử đã chứng minh, sau mỗi thảm họa, niềm tin thường tăng vọt nhưng không được đảm bảo. Rebecca Priestley chia sẻ: “Quyết định đóng cửa là điều mà cả chính phủ và người dân New Zealdn đều phải chịu trách nhiệm”. Theo cô, khung trách nhiệm tập thể đã giúp chuyển đổi và trở thành nỗ lực chung.

Sở dĩ lòng tin vào chính phủ của người dân nơi đây được giữ vững là nhờ trong hai năm qua, đại đa số không phải chứng kiến gia đình ốm nặng hoặc chết vì Covid-19 đồng thời hệ thống y tế công cộng không bị quá tải. Đồng giám đốc của Viện Chính sách công, Lara Greaves cho hay: “Trong trường hợp của New Zealand, một trong những phản ứng Covid-19 đặc biệt là mạng lưới kinh tế an toàn”. Tại New Zealand, sự đồng thuận chính trị đã tồn tại cho đến nay với sự ủng hộ của nhiều bên.

TL