Những xu hướng bán lẻ và thương mại điện tử được dự đoán sẽ phát triển

15:06 23/09/2022

Trong hơn 2 năm trải qua đại dịch COVID-19 đã làm cho người tiêu dùng ở nhà nhiều hơn, một số khu vực hạn chế đi lại và các trung tâm mua sắm mở cửa hạn chế, dẫn tới việc mua sắm trực tuyến được tạo bàn đạp phát triển nhanh và mạnh

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Bức tranh thương mại điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19

Đại dịch COVID-19 đã làm cho người tiêu dùng ở nhà nhiều hơn, một số khu vực hạn chế đi lại và các trung tâm mua sắm mở cửa hạn chế, dẫn tới việc mua sắm trực tuyến được tạo bàn đạp phát triển nhanh và mạnh. 

Năm 2021, Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của toàn cầu. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, thương mại điện tử vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Theo Báo cáo “Digital 2022 global overview report” của We are social & Hootsuite, tỷ lệ người dùng internet mua sắm hàng tuần Việt Nam đứng thứ 11 trong số các quốc gia (58,2%), ngang bằng với mức trung bình toàn cầu, cao hơn Mỹ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Đức nhưng thấp hơn Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Philippines, Ấn Độ, Indonesia và Anh.

Trong toàn khu vực Đông Nam Á, Báo cáo “Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2021” của Google, Temasek và Bain & Company dự báo doanh thu thương mại điện tử sẽ tăng từ 120 tỷ USD vào năm 2021 lên mốc 234 tỷ USD vào năm 2025. Dự báo giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của người tiêu dùng trực tuyến sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ, từ mức 381 USD/người năm 2021 lên 671 USD/người vào năm 2026. Với tỷ lệ 49%, người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chỉ đứng sau Singapore (53%), cao hơn Indonesia và Malaysia.

Dự báo doanh thu kinh tế internet Việt Nam và các nước trong khu vực giai đoạn 2021- 2025
Dự báo doanh thu kinh tế internet Việt Nam và các nước trong khu vực giai đoạn 2021- 2025.

Trên toàn cầu, dự báo doanh thu thương mại điện tử bán lẻ năm 2022 sẽ đạt mức 5.545 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 12,7%. Dự báo đến năm 2025, con số này sẽ cán mốc 7.385 tỷ USD. Trung Quốc là quốc gia có tỷ lệ thị phần thương mại điện tử lớn nhất thế giới (hơn 52%), theo sau là Hoa Kỳ (19%), Anh (4,8%), Nhật Bản (3%) và Hàn Quốc (2,5%). Dự báo doanh thu thương mại điện tử B2C của Trung Quốc sẽ đạt gần 2.900 tỷ USD năm 2022 và đạt mức 3.786 tỷ USD vào năm 2025.

Đặc biệt, doanh thu thương mại điện tử toàn cầu qua mạng xã hội năm 2022 ước đạt 751 tỷ USD nhưng sẽ tiếp tục tăng trưởng bùng nổ trong những năm tới, tăng gấp đôi vào năm 2025 (1.590 tỷ USD) và sẽ cán mốc 3.370 tỷ USD vào năm 2028.

Trong hơn 2 năm trải qua, đại dịch COVID-19 đã làm cho người tiêu dùng ở nhà nhiều hơn, một số khu vực hạn chế đi lại và các trung tâm mua sắm mở cửa hạn chế, dẫn tới việc mua sắm trực tuyến được tạo bàn đạp phát triển nhanh và mạnh. Dưới đây là 3 xu hướng bán lẻ và thương mại điện tử được dự đoán sẽ phát triển:

Kết hợp giữa việc mua tại cửa hàng và cả mua trên nền tảng online

Jacqueline Baker, Giám đốc Kinh nghiệm của VMLY & R Commerce cho biết: “Trên toàn cầu, chúng tôi tiếp tục thấy người tiêu dùng mua hàng khá nhiều tại các cửa hàng. Tuy nhiên, vai trò của các cửa hàng đối với mua sắm đã thay đổi. Khách hàng có thể dễ dàng mua mọi thứ trên cửa hàng trực tuyến. Trong khi đó, ngoài mục đích mua sắm những thứ thiết yếu hàng ngày, các cửa hàng đóng vai trò như một “phòng trưng bày” để lấy cảm hứng và "bán lẻ". Tức là các cửa hàng phục vụ mục đích xúc giác và khơi dậy các giác quan, mang lại niềm vui cho người mua sắm”.

Xu hướng này bắt nguồn từ những ưu điểm rất riêng biệt của mua hàng trên nền tảng online như:

– Người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin sản phẩm một cách kỹ lưỡng. Đặc biệt, có những trang web cung cấp dịch vụ so sánh giá sản phẩm từ các trang web khác đã hỗ trợ người tiêu dùng rất tốt trong việc mua hàng qua mạng.

– Hầu hết các sàn giao dịch thương mại điện tử cho phép khách hàng đánh giá sản phẩm sau khi mua. Vì thế, người tiêu dùng có thể tìm hiểu về sản phẩm một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định mua.

– Tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng.

Người dùng đang sử dụng các kênh kỹ thuật số như một kênh hữu ích để ra quyết định mua sắm. Do đó, xu hướng này trong năm 2023 và trong tương lai có khả năng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và phủ rộng ở nhiều khu vực hơn.

Khách hàng có thể dễ dàng mua mọi thứ trên cửa hàng trực tuyến
Khách hàng có thể dễ dàng mua mọi thứ trên cửa hàng trực tuyến.

Lạm phát khiến người tiêu dùng cân nhắc trong việc chi tiêu

Lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu. Tại Mỹ, Bộ Lao động cho biết, lạm phát đã tăng 8,3% từ tháng 8 năm ngoái, tồi tệ hơn so với dự báo. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng nói chung và rất có thể sẽ ảnh hưởng đến thói quen chi tiêu của họ trong tương lai. Người dùng sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc nhiều hơn khi ra quyết định mua hàng.

Hãng tin CNN nhận định, khi giá cả leo tháng, người tiêu dùng sẽ lựa chọn những mặt hàng rẻ hơn, hạn chế những chi tiêu không cần thiết như ăn nhà hàng và thậm chí là chẳng muốn mua sắm tùy hứng như trước nữa. 

Theo NPD, người Mỹ hiện nay không chỉ mua sắm ít đi mà thú vui đi "shopping", ngắm nghía cũng giảm do mất niềm tin vào nền kinh tế. Cụ thể trong quý I/2022, người Mỹ mua sắm tại siêu thị ít hơn 6% so với cùng kỳ năm trước bất chấp nền kinh tế đã mở cửa trở lại. Tỷ lệ đi dạo tại các trung tâm mua sắm cũng giảm 5% trong cùng kỳ.

Đồng quan điểm, báo cáo doanh thu của Walmart vào tháng 5/2022 cho thấy người tiêu dùng đang có sự chuyển biến khi lựa chọn đồ rẻ hơn, mua ít hơn trong mỗi lần đến siêu thị. Tương tự, chuỗi siêu thị Target cũng nhận định khách hàng ngày nay đang giảm chi tiêu, từ bỏ những mặt hàng như nội thất, đồ bếp hay TV mà chỉ tập trung vào những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm. Thậm chí đến hàng khuyến mãi hay những chiêu trò kích thích mua sắm cũng không dùng được nữa.

Ngay cả đến các siêu thị giá rẻ, bán đồng giá 1 USD cũng đã không còn thu hút được khách hàng như xưa, nhiều cửa hàng đã phải nâng lên 1,25 USD vì lạm phát quá kinh khủng.

Với đà lạm phát tăng cao, mọi người bắt đầu tiết kiệm dần để chuyển bị cho điều tồi tệ nhất.

Xu thế mua sắm trên mạng xã hội

Theo báo cáo của Công ty tư vấn Accenture, thương mại mạng xã hội được định nghĩa là các giao dịch diễn ra hoàn toàn trong bối cảnh của nền tảng mạng truyền thông xã hội, sẽ đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 492 tỷ USD vào năm 2021. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi người tiêu dùng Thế hệ Z và Millennial, những người dự kiến sẽ chiếm 62% chi tiêu thương mại mạng xã hội toàn cầu vào năm 2025.

"Đại dịch Covid-19 đã cho thấy mức độ mọi người sử dụng các nền tảng mạng xã hội như điểm khởi đầu cho mọi thứ họ làm trực tuyến, từ cập nhật tin tức, giải trí đến truyền thông", Robin Murdoch, người đứng đầu Bộ phận cung cấp dịch vụ Phần mềm & Nền tảng toàn cầu tại Accenture cho biết. "Sự gia tăng đều đặn về thời gian dành cho mạng xã hội phản ánh mức độ thiết yếu của những nền tảng này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nó đang định hình lại cách mọi người mua và bán, điều này cung cấp cho các nền tảng và thương hiệu những cơ hội mới giúp tăng cường trải nghiệm cho người dùng và cải thiện nguồn doanh thu cho chính họ", Robin Murdoch nhận định. 

Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi người tiêu dùng Thế hệ Z và Millennial
Xu hướng mua sắm trên mạng xã hội chủ yếu được thúc đẩy bởi người tiêu dùng Thế hệ Z và Millennial.

Travis Johnson, Giám đốc điều hành toàn cầu của Podeion cho biết: “Mua sắm trên mạng xã hội đang trở nên phổ biến hơn và có thể được thực hiện trên nhiều nền tảng, chẳng hạn như Amazon Live, TikTok Shop / Live, Instagram Live”.

Trong khi cơ hội là đáng kể cho các doanh nghiệp lớn, các cá nhân và thương hiệu nhỏ hơn cũng có lợi. Theo báo cáo của Công ty tư vấn Accenture, hơn một nửa (59%) người mua trên mạng xã hội được khảo sát cho biết, họ có nhiều khả năng ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua thương mại mạng xã hội hơn là khi mua sắm qua các trang web thương mại điện tử lớn. Hơn nữa, 63% cho biết họ có nhiều khả năng mua lại từ cùng một người bán, cho thấy lợi ích của thương mại mạng xã hội trong việc xây dựng lòng trung thành và thúc đẩy mua hàng lặp lại.

Bảo Bảo (t/h)