Công tác xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 diễn ra khi dịch Covid -19 bùng phát phức tạp và khó lường, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp tới hoạt động sản xuất. kinh doanh, đầu tư và thương mại của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhờ công tác truyền thông tích cực để nâng cao nhận thức về chương trình THQG nói chung và kỳ xét THQG của năm 2020 nói riêng, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng, quan tâm tích cực của trên 1000 doanh nghiệp trong cả nước nộp hồ sơ đăng ký tham dự. Để thích ứng với bối cảnh, chương trình xét Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 có những điểm mới và khác biệt.
Thứ nhất, kỳ xét chọn THQG năm 2020 cũng là kỳ xét chọn đầu tiên của Bộ Công Thương triển khai Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 08/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 33/2019/TT-BCT ngày 22/11/2019 của Bộ Công Thương. Vì vậy, sau khi nhận được hồ sơ đăng ký của các doanh nghiệp, Ban Thư ký của Hội đồng THQG đã tích cực triển khai công tác đánh giá, thậm định hồ sơ một cách chặt chẽ, khoa học theo quy trình xét chọn được quy định tại Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hệ thống tiêu chí được quy định tại Thông tư số 33/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Thứ hai, về điểm mới và điểm đặc biệt của các thương hiệu được công nhận đạt THQG Việt Nam năm 2020. Thương hiệu quốc gia tăng với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, tăng 27 doanh nghiệp so với năm 2018 (97 doanh nghiệp). Chương trình có sản phẩm đạt THQG cũng tăng mạnh với 39 doanh nghiệp, chiếm 31.4% trên tổng số doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG. Trong đó, có 17 doanh nghiệp đã có 7 lần liên tiếp có sản phẩm đạt THQG kể từ kỳ xét chọn đầu tiên năm 2008.
Trong số các sản phẩm đạt THQG năm nay đã xuất hiện nhiều tên tuổi, thương hiệu nổi tiếng trên thị trường. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp trải dài trên 15 ngành hàng khác nhau, đến từ 25 tỉnh thành thuộc cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh đó, cũng có sự tham gia lần đầu của một số thương hiệu có tiếng trên thị trường và thu hút được một số tập đoàn và các công ty con cùng đăng ký tham gia xét chọn. Bên cạnh đó, những sản phẩm, dịch vụ còn mới mẻ như: thanh toán điện tử, quản lý khạc sạn, trải nghiệm du lịch…cũng góp phần tạo nên sự đa dạng cho chương trình. Chứng tỏ nhận thức tầm quan trọng về thương hiệu của các doanh nghiệp đã được nâng cao.
Thứ ba, về công táchỗ trợ, đồng hành cùng cách doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu trong bối cảnh Covid -19. Ban tổ chức chương trình đã tích cực phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan trong việc: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu; Hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu; Tăng cường tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm đạt THQG trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, Ban Thư ký chương trình đã phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế tổ chức hàng hoạt Hội nghị giao thương quốc tế trực tuyến; Tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp với các nhà phân phối lớn trong nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trong công tác sản xuất hàng hóa xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Cũng theo số liệu báo cáo của 124 doanh nghiệp đạt THQG năm nay, tổng doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp này đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu xuất khẩu đạt 137 nghìn tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước trên 200 nghìn tỷ đồng, tạo công việc cho hơn 471 nghìn lao động. Các hoạt động từ thiện tại các doanh nghiệp này đạt giá trị trên 9,5 nghìn tỷ đồng và nộp bảo hiểm trên 20 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid -19 bùng phát, đã có trên 60% doanh nghiệp THQG có các hoạt động chung tay cùng cộng đồng với số tiền và hiện vật quyên góp lên tới trên 80 tỷ đồng.
Chương trình rất tự hào đã truyền cho các doanh nghiệp động lực phát triển tích cực và mục tiêu phấn đấu chân chính vì niềm tự hào đại diện cho THQG Việt Nam. Như vậy, với việc đổi mới các quy định, chính sách của chương trình THQG Việt Nam cùng với những hoạt động hỗ trợ cụ thể, đang và sẽ tạo ra những bước phát triển mới cho chương trình để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, chúng ta sẽ có 1000 sản phẩm đạt THQG cũng như góp phần xây dựng hình ảnh và THQG Việt Nam ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế.
Trang Nhung