Tại Hội nghị sơ kết một năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đã báo cáo về những tiến triển và thách thức trong lĩnh vực này. Bà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ giao, tập trung vào hoàn thiện thể chế về hệ thống thanh toán quốc gia và chính sách đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật.
Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ và trình Quốc hội Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vào tháng 1/2024. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52 về thanh toán không dùng tiền mặt và đã ban hành chiến lược thúc đẩy hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2030.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương rà soát và ban hành những quy định mới theo thông tư hướng dẫn, phù hợp với Luật sửa đổi và Nghị định 52, đảm bảo tính tương thích với các quy định pháp luật khác. Cùng với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt và an toàn.
Theo báo cáo, hệ thống thanh toán liên ngân hàng hiện nay xử lý bình quân hơn 830 nghìn tỷ đồng mỗi ngày, còn hệ thống thanh toán bán lẻ xử lý từ 20 - 25 triệu giao dịch mỗi ngày. Các dịch vụ thanh toán mới như thanh toán qua QR Code được đánh giá là rất an toàn, thiết thực và tiện lợi cho người dân. Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh internet và mobile bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng trưởng lần lượt 52% và 103,3%, trong khi tăng trưởng số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.
Hiện tại, hơn 87,08% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, với 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động. Bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định, những con số này cho thấy sự chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Bà cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước là thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm hỗ trợ công tác quản lý thuế. Trong hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với cơ quan thuế và chỉ đạo các ngân hàng và trung gian thanh toán kết nối cung cấp thông tin với cơ quan thuế. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế. Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế làm đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án 06 và Chỉ thị 18, ngành ngân hàng đã gặp phải một số khó khăn. Thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế là nhạy cảm, đòi hỏi phải được xử lý cẩn thận, đáp ứng các quy định về bảo vệ bí mật thông tin khách hàng và dữ liệu cá nhân. Do đó, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng ưu tiên tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Hồng cũng đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn chuẩn hóa dữ liệu và quy định phương thức kết nối, chia sẻ thông tin từ các tổ chức tín dụng, nhằm đảm bảo việc chống thất thu thuế mà vẫn bảo vệ được dữ liệu cá nhân.
P.V (t/h)