Startup Hàn Quốc giới thiệu về sản phẩm bình nước thông minh tại TP.HCM tháng 3/2018. Ảnh T.D.
Tiềm lực lớn
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB – Không gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, trong số khoảng 1.800 Startup trên cả nước, có khoảng 834 Startup đang hoạt động tại TP.HCM (chiếm 42%). Điều đó cho thấy, TP.HCM có môi trường thuận lợi để khởi nghiệp. Theo báo cáo kết quả khảo sát về chỉ số khởi nghiệp TP.HCM năm 2017, nhìn chung, tỷ lệ khởi nghiệp trong doanh nghiệp ở TP.HCM cao hơn so với mức trung bình của Việt Nam và đang có xu hướng tăng lên từ mức 2% năm 2013, lên 2,5% năm 2015 và 2,7% năm 2017 (so với mức 0,6% của cả nước năm2017). Chỉ số đổi mới sáng tạo trong các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2017 đạt 19,4%, cao hơn so với các năm trước và cao hơn mức trung bình của cả nước (13,9%).
Tuy nhiên, các chỉ số về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn còn đứng sau nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia. Đa số các startup có quy mô nhỏ, nằm ở giai đoạn hạt giống cần hỗ trợ ươm tạo (chưa bước vào giai đoạn gọi vốn), khả năng tăng trưởng đột phá không cao. Đi liền đó là cơ chế chính sách vẫn chưa thực sự tạo ra cú hích mạnh cho hoạt động khởi nghiệp. Bên cạnh đó, dù đã thay đổi nhưng môi trường hỗ trợ khởi nghiệp ở Việt Nam còn đi sau các nước rất nhiều. Do vậy, các startup của Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi trong việc tiếp cận thị trường như tiếp cận các cố vấn giỏi cho tới môi trường để trải nghiệm, phát triển xa hơn ý tưởng…
Theo đó, việc đưa startup của Việt Nam ra nước ngoài sẽ giúp startup đó có cơ hội phát triển tốt hơn. Việc này cũng sẽ tạo cơ hội cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam và các nước có kết nối, hợp tác lẫn nhau… Đồng thời thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Trong khi đó, các startup nước ngoài vào Việt Nam sẽ mang theo kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp công nghệ. Điều này đóng góp tốt cho hoạt động của các DN hiện hữu, cũng như góp thêm cho việc phát triển nền kinh tế sáng tạo ở Việt Nam.
Kết nối toàn cầu
Cuối tháng 12/2017, Bộ Ngoại giao và UBND TP.HCM đã tổ chức diễn đàn Kết nối các DN khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam tại San Francisco với sự tham gia của 150 đại biểu, với nhiều phiên thảo luận của các tác giả startup người Việt thành công tại Mỹ, tập trung vào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và thành công của thế giới, kinh nghiệm của các startup của người Việt tại Hoa Kỳ. Mới đây, trong 2 ngày (26 và 27/6), tại TP.HCM, Bộ Ngoại giao và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức Diễn đàn “Kết nối Startup Việt trong và ngoài nước” với sự tham gia của khoảng 400 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khởi nghiệp, đến từ Việt Nam, Mỹ, Canada, Israel…
Đặc biệt, từ đầu năm 2018, SIHUB đã triển khai chương trình “Run way to the world” (trao đổi startup toàn cầu) với bốn quốc gia gồm: Hàn Quốc, Đức, Singapore, Malaysia. Mục tiêu khởi đầu là có 20 startup của Việt Nam đi ra các nước và 30 startup tới TP.HCM mỗi năm. Trong khoảng thời gian sang các nước, các startup sẽ được các cố vấn hàng đầu tại từng nước hướng dẫn; gặp gỡ các nhà đầu tư, đối tác; làm việc với các startup khác để học hỏi, giới thiệu về dự án của mình và quan trọng nhất là được trực tiếp tham gia vào môi trường kinh doanh để tìm hiểu người tiêu dùng, nhu cầu thị trường.
Mở đầu cho chuỗi hoạt động này, cuối tháng 3/2018, đoàn 3 DN startup Hàn Quốc đã sang làm việc tại Việt Nam theo chương trình trao đổi startup toàn cầu. Ngày 2 và 4/7 sắp tới, 3 startup từ Malaysia và 3 Startup từ Singapore đến TP.HCM. Dự kiến cuối tháng 7/2018, SIHUB sẽ bắt đầu mở đợt tuyển chọn các startup đi các nước Hàn Quốc, Malaysia và Singapore trong năm nay. Ngoài ra, chương trình đã ký bản ghi nhớ với đối tác từ Thái Lan, Đức và sẽ mở rộng qua các nước Mỹ, Úc, Canada, Ấn Độ... trong thời gian sắp tới.
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng cố vấn cho SIHUB nhìn nhận, chưa startup Việt nào có công ty dựa trên sự nghiên cứu và bằng sáng chế đã được công nhận tại thị trường quốc tế. Đây là hạn chế lớn của startup Việt. Với chương trình trao đổi startup toàn cầu, kỳ vọng sẽ nâng dần tâm thế và chất lượng startup Việt để sánh vai được với thế giới. Thông qua hoạt động trao đổi, các startup Việt sẽ được mở rộng tầm nhìn, học hỏi thêm nhiều cái mới và nâng cao nội lực.
Cũng theo bà Nguyễn Phi Vân, nếu các startup nước ngoài sau khi được chọn sẽ sang Việt Nam ngay theo chương trình trao đổi thì startup Việt cần được đào tạo, huấn luyện thêm về kiến thức, giao tiếp, văn hóa, cách trình bày trước công chúng, phương thức kêu gọi đầu tư để giúp họ hiểu biết hơn về thị trường thế giới rồi mới gửi đi. Khi đó, họ sẽ tự học hỏi và nâng cao nội lực hơn.
Hiện SIHUB đang có chương trình tuyển chọn online và không giới hạn. Ngoài ra, SIHUB cũng sẽ chọn lựa các Startup phù hợp từ các cuộc thi về khởi nghiệp mà TP.HCM tổ chức. Các startup ứng tuyển sẽ được một hội đồng thẩm định của hai nước đánh giá dự án và quyết định. Để đạt được điều này, các startup cần chuẩn bị tốt đề án.
Nguyễn Dịu