Nhiều doanh nghiệp phải "khất nợ" trái phiếu đến hạn thanh toán

14:33 23/02/2023

Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, khó khăn thanh khoản trái phiếu sẽ tiếp diễn trong năm nay. Áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trở lại trong quý 2 và quý 3/2023...

Những điều cần biết về trái phiếu đáo hạn

Trái phiếu đáo hạn là phần trái phiếu sắp đến kỳ kết thúc. Lúc này, nhà đầu tư sẽ nhận được tất cả tiền gốc và lãi còn lại theo lộ trình thanh toán của tổ chức phát hành. Đồng thời, sau khi đáo hạn, tổ chức phát hành sẽ không còn nghĩa vụ trả nợ cho nhà đầu tư.

Tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn (Ảnh minh họa)

Tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn (Ảnh minh họa).

Việc các doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu trong cùng một thời điểm, khi suy thoái kinh tế xảy ra, áp lực thanh toán lợi tức sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Khi đó rủi ro về trái phiếu sẽ gia tăng và người bất lợi là nhà đầu tư.

Thời gian đáo hạn là một yếu tố quan trọng khi nhà đầu tư lựa chọn trái phiếu. Lãi suất cùng với thời gian là hai yếu tố tác động đến giá của loại giấy tờ này trước thời kỳ đáo hạn.

Thời gian đáo hạn trái phiếu rất nhạy cảm với giá của chính nó. Thời gian đáo hạn dài thì giá của loại giấy tờ này có nguy cơ giảm giá vì lãi suất tăng. Trong môi trường đầu tư, lãi suất là yếu tố phải được dự đoán trước khi lựa chọn trái phiếu có kỳ hạn ngắn hay dài hạn.

Nhà đầu tư lựa chọn trái phiếu có kỳ hạn ngắn thường là trái phiếu các doanh nghiệp và trong thời kỳ lãi suất rẻ, chính sách tiền tệ nới lỏng. Nếu nhà đầu tư lựa chọn trái phiếu có kỳ hạn dài thì thường là trái phiếu chính phủ hay của Kho bạc nhà nước; môi trường kinh doanh lúc này khá khó khăn và chính phủ thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ.

Lợi suất đáo hạn (Yield to Maturity) là lãi suất của trái phiếu đó khi nhà đầu tư mua tại thời điểm bất kỳ và nắm giữ đến ngày đáo hạn. Lãi suất đáo hạn của loại giấy tờ này chính là công cụ đo lường rủi ro; khi lạm phát tăng khiến giá trị đồng tiền giảm, giá trị trái phiếu vì thế cũng giảm theo. Phần lợi tức nhận được là thấp so với kỳ vọng hiện tại.

Nhiều doanh nghiệp xin lùi đáo hạn trái phiếu

Dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, năm 2023 sẽ có khoảng 309.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Tính riêng trong tháng 1/2023, có gần 17,5 nghìn tỷ đồng tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 60% tập trung ở nhóm bất động sản với 10,5 nghìn tỷ đồng và 34% ở nhóm xây dựng với 5,9 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngay trong tháng đầu năm 2023, có nhiều doanh nghiệp đã phải gia hạn thanh toán trái phiếu đến thời điểm đáo hạn. Điền hình có thể kể đến là Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons thông báo về việc chậm thanh toán gốc, lãi lô trái phiếu HTNBH2122002 đáo hạn vào ngày 31/12/2022. Thay vì thanh toán đúng hạn vào ngày 3/1/2023, Hưng Thịnh Incons đã “khất” nhà đầu tư trả một nửa tiền gốc vào đầu tháng 3/2023 và nửa còn lại cuối tháng 3.

Nguyên nhân được Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons đưa ra là do tín dụng bị thắt chặt, các thị trường vốn khác không tích cực khiến nguồn tiền bị ảnh hưởng.

Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG). Doanh nghiệp này cũng đã xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu hơn 181 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu mã 30122017-01, phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 5 năm).

Tại diễn biến này, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết, đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật.

Nói về nguyên nhân chậm thanh toán, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai thông tin, do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán nợ.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex (AGM) phải tổ chức hội nghị chủ sở hữu trái phiếu để xin ý kiến trái chủ về kế hoạch xử lý hai lô trái phiếu với mã AGMH2123001 và AGMH2223001. Trong đó, lô trái phiếu AGMH2123001 được phát hành vào ngày 9/11/2021 với tổng giá trị là 350 tỷ đồng và lô trái phiếu AGMH2223001 được phát hành vào ngày 14/3/2022 với tổng giá trị 300 tỷ đồng. Hồi cuối năm 2022, Angimex cũng tuyên bố mất khả năng thanh toán khi đến kỳ trả lãi (3 tháng/lần) đối với hai lô trái phiếu trên.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 (VC2) cũng công bố nghị quyết về kế hoạch thanh toán gốc, lãi của lô trái phiếu VC2H2122001 (150 tỷ đồng) thêm một năm.

Nhận định đến từ các chuyên gia tài chính cho hay, khó khăn thanh khoản trái phiếu sẽ tiếp diễn trong năm nay. Áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trở lại trong quý 2 và quý 3/2023 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỷ đồng và 89.488 tỷ đồng. Trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu là rất lớn, các kênh huy động vốn đều đang tắc khiến doanh nghiệp khó tìm nguồn vốn đáo hạn. Thị trường lúc này dường như chỉ trông chờ vào “phép màu” nếu như Nghị định 65/2022 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế được sửa đổi, bổ sung một số điều.

Trong đó, có hướng đề xuất quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn với thời gian tối đa 2 năm. Nếu thành hiện thực, thì đây cũng chỉ được coi là giải pháp gỡ khó tạm thời cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thêm thời gian xoay xở dòng tiền để vượt qua giai đoạn đỉnh nợ năm 2023 - 2024. Tuy nhiên, xét về lâu dài, thì các doanh nghiệp cần đẩy mạnh tái cấu trúc phương án tài chính, sắp xếp tài sản đảm bảo, khơi thông dòng tiền, trong đó có cả việc xây dựng lại niềm tin cho các nhà đầu tư.

Trần Linh (T/h)