Nhiều doanh nghiệp đại chúng sửa đổi điều lệ theo quy định

14:44 26/02/2021

Từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp đại chúng sẽ phải lên kế hoạch sửa đổi điều lệ để đáp ứng quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Chứng khoán 2019 chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới.

Mới đây, một số công ty đại chúng đã họp ĐHCĐ sửa đổi điều lệ công ty, nhưng chủ yếu là cập nhật những thay đổi về vốn điều lệ, bổ sung ngành nghề kinh doanh…

Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Đầu tư, thương mại và dịch vụ - Vinacomin (Itasco, mã chứng khoán ITS) đã họp ĐHCĐ bất thường, thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 162 tỷ đồng lên 252 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phần riêng lẻ. Công ty bổ sung thêm một người đại diện theo pháp luật. Itasco vẫn đang tuân thủ Điều lệ mẫu 2017.

Hay Công ty Cổ phần Viễn Liên (mã chứng khoán UNI) đã sửa đổi và thông qua điều lệ mới tại ĐHCĐ thường niên 2020 tổ chức ngày 5/12/2020, nhưng Điều lệ sửa đổi vẫn đang tuân theo Điều lệ mẫu cũ như khoản 3, Điều 12, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ trên 5% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục từ 6 tháng trở lên có quyền: đề cử các ứng viên HĐQT, yêu cầu HĐQT triệu tập ĐHCĐ, kiểm tra và nhận bản sao hoặc bản trích dẫn danh sách các cổ đông có quyền tham dự và bỏ phiếu tại ĐHCĐ, yêu cầu ban kiểm toán nội bộ kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết.

 Đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp đại chúng sửa đổi điều lệ theo quy định (Ảnh Internet).

Trước đó, từ đầu năm 2021, Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Chứng khoán 2019 chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới về quản trị doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của cổ đông. Các văn bản hướng dẫn đã kịp thời được ban hành như Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/21/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Thông tư 116/2020-TT-BTC hướng dẫn Nghị định 155/2020 về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng.

Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định quyền đối với cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty. Pháp luật đã hạ thấp yêu cầu sở hữu tỷ lệ cổ phần phổ thông trong công ty cổ phần của cổ đông phổ thông khi được hưởng các quyền riêng biệt.

So với điều lệ cũ, Điều lệ mẫu 2020 bổ sung một số khái niệm về vốn có quyền biểu quyết; cổ đông, cổ đông sáng lập, cổ đông lớn; quyền của cổ đông như quyền được đối xử bình đẳng, quyền được tiếp cận đầy đủ thông tin định kỳ và thông tin bất thường… 

Về nghĩa vụ, cổ đông có thêm nghĩa vụ bảo mật các thông tin được công ty cung cấp, chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nghiêm cấm phát tán, hoặc sao, gửi thông tin cho tổ chức, cá nhân khác.

Điểm thay đổi lớn khác là Điều lệ mẫu bổ sung quy định về quyền của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát.

Theo quy định mới, việc lập danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đồng (ĐHCĐ) được lập không quá 10 ngày trước ngày gửi giấy mời họp ĐHCĐ nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn ngắn hạn.

Điều lệ cũng bổ sung quy định khi chủ tọa, thư ký từ chối ký biên bản họp thì biên bản vẫn có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của HĐQT tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung.

Ngoài ra, Điều lệ mẫu bổ sung quy định HĐQT quyết định ban hành quy chế hoạt động HĐQT, quy chế nội bộ về quản trị công ty sau khi được ĐHCĐ thông qua, quyết định ban hành quy chế hoạt động của ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT, quy chế về công bố thông tin của công ty.

Bảo Tía