Từ một số điều chưa hợp lý khi triển khai khiến người dân ngỡ rằng Hà Nội vỡ trận trong việc xây dựng tuyến phố điểm về quảng cáo, nhưng thực tế lại khác.
Không chỉ có phố Lê Trọng Tấn
Ngoài phố Lê Trọng Tấn với thuận lợi là tuyến phố mới nên được lựa chọn thí điểm xây dựng tuyến phố kiểu mẫu về quảng cáo, Hà Nội chủ trương xây dựng tuyến phố điểm quảng cáo, biển hiệu trên địa bàn mỗi quận, huyện; phường. Quận Cầu Giấy có tuyến phố Trần Đăng Ninh, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng, Trung Kính… là tuyến phố điểm về biển hiệu, bảng quảng cáo. Quận Thanh Xuân không chỉ có phố Lê Trọng Tấn mà 7 tuyến phố dọc sông Tô Lịch cũng đã trở thành tuyến phố điểm quảng cáo, biển hiệu gần 2 năm nay. Các huyện, thị xã như Đan Phượng, Sơn Tây cũng có đến trên 10 tuyến phố điểm biển hiệu, quảng cáo ở mỗi địa bàn.
Hệ thống biển hiệu trên phố Lê Trọng Tấn không còn đồng nhất 2 màu xanh, đỏ mà xen vào đó là các màu trắng, đen, vàng... Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, sau 2 năm triển khai, hệ thống biển hiệu trên phố Lê Trọng Tấn không còn đồng nhất 2 màu xanh, đỏ mà xen vào đó là các màu trắng, đen, vàng… Các cửa hàng thời trang, quán cà phê… đã lựa chọn dán đề can thay màu trên các biển hiệu đã lắp sẵn. Nhiều cửa hàng thiếu ý thức còn lắp thêm các loại bạt để tạo điểm nhấn khác biệt so với biển hiệu bên cạnh. Ngoài ra, chỉ riêng duy trì các tuyến phố điểm về quảng cáo cũng vô cùng khó khăn. Ra quân lắp đặt đồng bộ theo đúng kích thước quy định, nhưng cán bộ địa bàn chỉ cần lơi là kiểm tra là vài cửa hàng kinh doanh trên đường Trần Đăng Ninh lại treo bạt quảng cáo sản phẩm. Chủ nhân những ngôi nhà mặt tiền trên tầng 2, tầng 3 tranh thủ lắp đặt thêm vài tấm biển quảng cáo cỡ lớn choán hết toàn bộ diện tích phía ngoài. “Tư duy biển, bảng cứ phải to, ấn tượng… của nhiều người dân khiến việc quản lý hoạt động quảng cáo lúc nào cũng nóng vì vi phạm” – một cán bộ quản lý văn hóa phường Dịch Vọng chia sẻ.
Song, ở các quận, huyện vẫn đang nỗ lực duy trì trật tự của các tuyến phố điểm biển hiệu, biển quảng cáo. Một số phường như Trung Hòa (Cầu Giấy) không chỉ xây dựng một tuyến phố điểm mà còn đã mở rộng sang phố Lê Văn Lương và Trần Duy Hưng. Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH&TT Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cho biết: Hà Nội đang chủ trương nhân rộng các tuyến phố điểm biển hiệu, biển quảng cáo… để không chỉ mỗi địa bàn là 1 tuyến phố mà 2, 3 tuyến phố và thậm chí là nhiều hơn nữa. Bởi việc chuẩn chỉnh về kích thước biển, bảng đã giúp bộ mặt đô thị khang trang hơn.
Còn sửa đổi và không hết tranh cãi
Cách đây khoảng 2 tháng, trên các mạng xã hội xôn xao hình ảnh một tuyến phố của Hà Nội xuất hiện quảng cáo bên ngoài thành cầu vượt dành cho người đi bộ. Đây được coi là điều cấm trong quy định về hoạt động quảng cáo ngoài trời mà TP ban hành năm 2016. Ông Bùi Minh Hoàng cho biết, hoạt động quảng cáo đó không phải tự phát mà là thí điểm của Hà Nội. “Sở VH&TT đã đề xuất với UBND TP, với Chính phủ xin thí điểm lắp biển quảng cáo bên ngoài thành cầu. Chúng tôi vẫn đang lắng nghe ý kiến của Nhân dân và các nhà quản lý để có đánh giá và biện pháp chung, có thể bổ sung hình thức quảng cáo này cho cả tuyến phố điểm” – ông Hoàng nhấn mạnh.
Ủng hộ những ý tưởng này, song thạc sĩ Nguyễn Phan Anh - Chuyên gia marketing online, giảng viên trường Đại học Thương mại nhấn mạnh, cần rút kinh nghiệm để ý tưởng không làm hạn chế sự sáng tạo của các thương hiệu và gây nhầm lẫn về thương hiệu. “Các thương hiệu có bản sắc riêng sẽ phải xem xét, nếu như thuê mặt bằng tại đây. Việc đồng nhất về màu sắc biển hiệu vô hình trung đã làm giảm giá trị mặt bằng cho thuê” - ông Phan Anh nói. Được biết, quận Thanh Xuân đã ký Quy định quản lý tạm thời tuyến đường Lê Trọng Tấn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, quy định đã “nới” một số điều về biển hiệu. Hiện tại chỉ quản lý về cao độ nền biển hiệu chỉ cao từ 3 – 3,2m, điều này giúp biển hiệu đồng đều, thẳng hàng, ngăn nắp. Còn màu sắc, cho phép màu sắc theo logo đã đăng ký, yêu cầu không dùng màu sắc phản cảm và vật liệu có độ phản quang lớn hơn 70%.
Hà Nội sẽ còn có nhiều biện pháp chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, mở rộng các tuyến phố điểm để tạo dựng nét đẹp văn minh đô thị. Tuy nhiên, thành công hay thất bại sẽ của mỗi con đường mỗi tuyến phố là sự cộng hưởng từ ý thức của Nhân dân đến ý tưởng hợp lý.
"Tôi đồng tình xây dựng các tuyến phố điểm, các tuyến phố kiểu mẫu về quảng cáo. Nhưng có lẽ chúng ta chỉ nên dừng ở việc quy định về kích thước biển hiệu, biển quảng cáo… không nên đưa ra quy định về kiểu dáng, màu sắc vì đây là đặc thù riêng cho mỗi thương hiệu. Lỗi của việc thực hiện sai chính là tầm nhìn của người tham mưu còn hạn chế, chưa dài hơi." - PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội Khóa XIII
"Nhằm cập nhật với xu hướng hiện đại, các hình thức quảng cáo mới, Hàn Quốc từng quyết định bỏ quy định về quảng cáo nhằm tạo ra một phiên bản Quảng trường Thời đại của Hàn Quốc trong nỗ lực thúc đẩy công nghiệp quảng cáo và thu hút nhiều du khách hơn. Hiện nay, ở Hàn Quốc, DN có thể lắp màn hình kỹ thuật số và biển quảng cáo tự do, không bị hạn chế về loại hoặc kích thước - những điều mà trước đây bị hạn chế nghiêm ngặt. Cùng với việc nới lỏng các quy định về biển quảng cáo, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tăng cường xử lý những bảng quảng cáo bất hợp pháp như băng rôn và bóng bay được trưng bày trái phép hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người qua lại khu vực Quảng trường." - Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang
Linh Anh