Nhà hàng Mỹ gặp khó khi các nền tảng giao hàng áp phí hoa hồng cao

21:26 11/10/2021

Dịch vụ giao hàng ăn trở nên thiết yếu trong thời kỳ đại dịch khi hàng triệu người Mỹ phải ở nhà và các nhà hàng không phục vụ thực khách. Nhưng hiện nay, các chính trị gia đang tìm cách điều chỉnh ngành công nghiệp giao nhận thực phẩm đồng thời nhiều chủ nhà hàng cáo buộc những “ông lớn” như DoorDash, Grubhub và Uber Eats đặt mức phí hoa hồng quá cao.

Một người giao hàng trên đường phố Brooklyn
Một người giao hàng trên đường phố Brooklyn. (Ảnh: AFP)

Chỉ trong chín tháng đầu năm, DoorDash có hơn 1 tỷ đơn hàng, hầu hết tại thị trường Mỹ nơi công ty dẫn đầu toàn ngành. Tuy nhiên, Mathieu Palombino, người sáng lập chuỗi cửa hàng pizza Motorino có trụ sở tại New York lại gọi sự thúc đẩy do các ứng dụng giao hàng mang lại là một "ảo tưởng" vì các nhà hàng không được hưởng lợi lớn từ khối lượng đơn đặt khổng lồ. Palombino cho biết: “Nhận được 30 hoặc 40 đơn đặt hàng mỗi ngày tất nhiên sẽ rất vui nhưng vấn đề là số đơn này không chuyển thành lợi nhuận” bởi dịch vụ giao đồ ăn có thể tính phí nhà hàng lên tới 30% hóa đơn.

Để giải quyết vấn đề này, tháng 8 vừa qua, hội đồng thành phố New York đã thông qua luật giới hạn phí giao hàng của bên thứ ba ở mức 15%. Nghị viên thành phố New York, Francisco Moya, người khởi xướng dự luật cho hay: “Các doanh nghiệp nhỏ không nên phải chịu áp lực từ những khoản phí này để duy trì khả năng cạnh tranh”. Một đạo luật tương tự đã được thông qua tại San Francisco vào hồi tháng Sáu.

Trong một diễn biến khác, những “gã khổng lồ” giao hàng thực phẩm thách thức pháp lý tại các tòa án. Phía DoorDash, Grubhub và Uber Eats cho rằng, luật giới hạn này là vi hiến và các nhà hàng có thể tự do thương lượng tiền hoa hồng với các nền tảng giao hàng. Các công ty cũng chỉ ra họ đã đầu tư rất lớn trong thời kỳ dịch bệnh và trở thành động lực thúc đẩy vô số khách hàng chưa từng gọi đồ online sử dụng dịch vụ. Theo DoorDash, các nhà hàng sử dụng nền tảng này khi dịch bệnh bùng phát có tỷ lệ “tồn tại” cao hơn 8 lần so với mức trung bình của ngành. Công ty chỉ ra, ngay cả trước khi đạo luật được thông qua, phí hoa hồng giữ vững ở mức 15%.

Tất nhiên, Palombino không bị những lý lẽ này thuyết phục. “Vấn đề là những công ty trên đã trở nên lớn mạnh đến mức không thể không hợp tác với họ. Cũng giống như nếu bạn không sử dụng Seamless (một trong những dịch vụ giao hàng phổ biến nhất ở New York), bạn không còn khả năng tồn tại nữa”. Đối với khoản hoa hồng 15%, Palombino nói rằng một nhà hàng muốn thành công đôi khi cũng chỉ trông mong vào mức lợi nhuận15 hoặc 20%.

Tại tòa án, các nền tảng giao hàng thực phẩm đã lập luận rằng giới hạn sẽ gây ra mức phí cao hơn cho người tiêu dùng. Collin Wallace, Giám đốc điều hành của Công ty tiếp thị ZeroStorefront kiêm cựu Giám đốc sáng tạo tại Grubhub chỉ ra cho đến thời điểm này, nhiều nhà hàng phải chấp nhận mức phí trên. Ông cho biết: “Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là sử dụng các nền tảng công nghệ”. Một số doanh nghiệp đang cố gắng ứng dụng các ứng dụng phân phối toàn năng và tạo ra nền tảng riêng. Công ty khởi nghiệp ChowNow cung cấp dịch vụ khởi chạy ứng dụng nhận đặt hàng dành riêng cho từng doanh nghiệp nhằm giảm bớt phí hoa hồng. Sewell, chủ một nhà hàng ở Iowa, chia sẻ thêm rằng những thỏa thuận với công ty công nghệ vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa cho phép nhà hàng giữ dữ liệu khách hàng cho riêng mình.

TL