Nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại Phú Thọ

06:43 29/09/2022

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm tỉ trọng khá cao, khoảng 33% trong tổng số các chương trình tín dụng. Đây là tín hiệu tích cực cho hoạt động tín dụng dẫn vốn vào khu vực nông thôn, là “mắt xích” thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Agribank Chi nhánh Phú Thọ - Một trong những trụ cột cung ứng vốn cho nông nghiệp, nông thôn
Agribank Chi nhánh Phú Thọ - Một trong những trụ cột cung ứng vốn cho nông nghiệp, nông thôn.  

Xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng tín dụng, dành sự hỗ trợ tối đa nguồn lực, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, nguồn vốn tín dụng “tam nông” đang giúp kinh tế khu vực nông thôn “thay da, đổi thịt” từng ngày. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, nắm bắt nhu cầu vốn tín dụng, Agribank Lâm Thao đã xây dựng kế hoạch cụ thể để đầu tư tín dụng đến từng khu vực. Với phương châm bám sát dân, hiểu dân, gần dân, ngân hàng tích cực phối hợp với địa phương, đặc biệt là các tổ chức hội thực hiện tốt việc tiếp cận vốn vay đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Quang Trung- Giám đốc Agribank Lâm Thao cho biết: Ngân hàng chủ động ưu tiên về nguồn vốn, xây dựng quy trình, thủ tục cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng đơn giản tối đa hồ sơ thủ tục vay, áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo đảm tiền vay và lãi suất cho vay. Đến nay, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của đơn vị đạt trên 1.520 tỉ đồng với trên 3.400 khách hàng dư nợ, tỉ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,45%.

Nếu như trước đây, chỉ có Agribank cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thì hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều ngân hàng thương mại, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay lĩnh vực này. Các ngân hàng đã và đang dành một nguồn lực lớn khai thác mảng tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

Trụ sở NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ
Trụ sở NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ.  

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt trên 29.000 tỉ đồng với trên 230.000 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên 4.000 tỉ đồng; chế biến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản 225 tỉ đồng; phát triển ngành nghề nông thôn gần 3.000 tỉ đồng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn 471 tỉ đồng; kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản 4.226 tỉ đồng; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp 2.665 tỉ đồng...

Các ngân hàng tập trung đầu tư tín dụng cho vay các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm và chương trình sản xuất nông nghiệp khuyến khích của tỉnh; cho vay xây dựng nông thôn mới; lồng ghép với các nội dung, chương trình khác để góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Ông Phạm Trường Giang- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Thọ cho biết: Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã ban hành ba Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Có thể thấy, chưa lĩnh vực nào liên tiếp được ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như vậy. Việc triển khai thực hiện những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Từ đó tạo chuyển biến căn bản cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, phát triển được nhiều ngành nghề, dịch vụ, thúc đẩy bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, góp phần quan trọng phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của nhân dân.

P.V