Thông tư 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 26/10 tới đây.
Người thuê nhà dùng điện với giá “cắt cổ”
Điểm đáng chú ý trong Thông tư 25 của Bộ Công Thương quy định các trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng, cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức. Nếu chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ điện.
Người thuê trọ sẽ trả tiền điện sinh hoạt theo đúng giá điện nhà nước quy định. (Ảnh minh họa: KT)
Anh Bùi Văn Toán là công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, anh thuê phòng trọ gần nơi làm việc, tiền điện sinh hoạt trả theo chỉ số công tơ điện dùng chung cho nhiều phòng, sau đó chia cho từng đầu người, tính ra trung bình giá điện khoảng trên 3.000 đồng/kWh.
“Nếu có cách tính giá điện mới hi vọng sẽ giảm được tiền điện cho những người đi thuê nhà như chúng tôi. Quan trọng làm sao phải kiểm tra và giám sát lắp đặt vì như hiện nay nhiều chủ nhà trọ đang lợi dụng cách tính giá điện theo đầu người để thu thêm một khoản không nhỏ”, anh Toán chia sẻ.
Theo tìm hiểu ở các khu vực có nhiều nhà cho sinh viên, công nhân thuê trọ trên địa bàn huyện Đông Anh, hầu hết các chủ nhà đều mắc nối tiếp công tơ điện tổng của hộ gia đình đến dãy các phòng trọ, sau đó chia đều tiền điện của những người thuê phòng nên giá rất cao. Lý giải về cách làm này, ông B. một chủ cho thuê phòng tại thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh cho biết, nếu không thu giá cao, số điện tăng vọt, gia đình sẽ phải bù tiền điện rất lớn.
“Giá điện tính theo bậc thang, càng dùng nhiều giá càng cao trong khi số người sử dụng nhiều lại chỉ tính theo số điện của 1 công tơ tổng nên phải tính giá cao để cân đối. Nếu có quy định mới, được lắp đặt công tơ theo số nhân khẩu và số hộ, thì cũng thuận lợi cho những người có nhà cho thuê”, ông B. hào hứng nói.
Phải giám sát nghiêm để bảo đảm quyền lợi khách hàng
Làm rõ và khẳng định tính khoa học của Thông tư 25, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, với các điểm sửa đổi tại Thông tư 25 sẽ khắc phục được tình trạng chủ nhà thu tiền điện ở mức rất cao, từ đó, người thuê nhà được hưởng giá điện ở đúng mức Nhà nước quy định.
Theo ông Tuấn, điểm mới của Thông tư 25 đó là trường hợp cá thể thuê nhà như sinh viên, người lao động… không phải là một hộ gia đình mà chủ nhà không hoặc chưa thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 - 200kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Đối với trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện, Thông tư 25 quy định rõ: Bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú, hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn, cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.
"Đến thời điểm này ở Hà Nội đã có 95% chủ hộ ký cam kết bán điện theo đúng bảng giá áp dụng”, ông Tuấn cho biết.
Theo đánh giá của GS. TSKH. Trần Đình Long, Thông tư 25 của Bộ Công Thương đã giải quyết được sự bất hợp lý trước đây, khi các chủ phòng trọ lắp đặt chung 1 công tơ điện cho các hộ, cá nhân thuê trọ và tính tiền điện theo nhân khẩu với giá rất cao, vượt quá khung quy định trong cách tính giá theo bậc thang lũy tiến của ngành điện.
Nhưng với Thông tư mới này, về nguyên tắc, các chủ hộ này muốn cho thuê nhà phải đặt công tơ riêng tại mỗi phòng trọ để các hộ thuê trọ được hưởng quyền lợi như một hộ sử dụng điện độc lập, như vậy sẽ rất hợp lý.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Long cũng lo ngại về công tác thanh, kiểm tra chỉ số sử dụng điện. Bởi với công tơ điện tử, đơn vị kinh doanh điện có thể kiểm tra một cách dễ dàng, nhưng với công tơ cơ học, đơn vị quản lý điện năng cần kiểm tra kịp thời, phát hiện các hiện tượng bất thường nhằm đảm bảo quyền lợi cho người thuê ở trọ./.
Tính đến hết tháng 9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kiểm tra trên 177.000 nhà trọ và ký biên bản cam kết thu tiền điện đúng giá quy định với 157.000 chủ nhà trọ. Đến ngày 26/10/2018, khi Thông tư 25/2018/TT-BCT có hiệu lực, EVN chỉ đạo các đơn vị rà soát các nhà trọ, nếu không kê khai được số người sử dụng điện sẽ áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 cho toàn bộ sản lượng đo đếm được tại công tơ.
Ngoài ra, EVN cũng sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để kiểm tra, xử phạt các trường hợp chủ nhà trọ thu tiền sai quy định./.
Nguyễn Quỳnh/Vov.vn