Người phụ nữ đó chính là Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm (trú tại Trà Khúc, phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh).
Nhân duyên đến với trà!
“…Nếu có duyên được gặp chủ nhân, trực tiếp chiêm ngưỡng bộ sưu tập và thưởng thức một chung trà, được lắng nghe chị chia sẻ những trải nghiệm mới thấy sự hiểu biết sâu rộng, đam mê của chị về trà và ấm…” - Tiến sĩ Bùi Hữu Dược – nguyên Vụ Trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ.
Tình yêu với trà và ấm của Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm được chị viết thành lời trong cuốn sách Trà Duyên và Tâm Trà Diệu Bảo, thiết kế bởi Rystal Su Wan Lin - con gái của chị. Hai cuốn sách nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia: Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín; Trà hữu Thanh Long; Nhà giáo Đức Sơn Thái Trọng; bà Đỗ Huỳnh Phương Lan và quý trà hữu gần xa…với những lời nhận xét: “…sự chân thành trong trao truyền hiểu biết của chị cùng với sự ân cần hướng dẫn cho nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ về trà, về ấm, đặc biệt là kỹ thuật pha trà mà chị đã học và tích lũy được, với mong muốn xây dựng, phát triển văn hóa trà, qua “Trà đạo” mà góp phần thúc đẩy, xây dựng đời sống văn hóa xã hội lành mạnh, tốt đẹp.... “Bộ sưu tập ấm chén Tử Sa của cô "Tâm Trà" không chỉ đặc biệt về số lượng mà còn mang giá trị sâu sắc về lịch sử, văn hóa, kinh tế. Nhiều ấm chén trong bộ sưu tập có niên đại từ thời nhà Thanh trải dài cho đến nay, là những "di sản văn hóa, biểu trưng thẩm mỹ của từng thời đại, phản ánh phong cách sáng tác mỗi thời kỳ”…
Chị đã dành hơn nửa cuộc đời mình để đến nhiều nơi trồng chè trong và ngoài nước, tìm hiểu, sưu tầm nhiều loại trà quý, nắm rõ mỗi loại trà ở một vùng đất với kỹ thuật riêng trong thu hái, chế biến để cho ra trà ngon và phù hợp với sức khỏe. Với chị, tới những vùng nguyên liệu trong nước và nước ngoài không những để mở rộng vùng nguyên liệu mà quan trọng là chị cảm được hương vị trà ở mỗi vùng miền. Bởi chị nghĩ, mỗi loại trà được chắt chiu tinh túy của con người, thổ nhưỡng, khí hậu, văn hóa vùng miền, tạo nên bản sắc riêng như trà Thái Nguyên có vị thanh ngọt, hay còn gọi là tiền chát, hậu ngọt; vùng trà Tây Bắc thì có hương thơm nồng nàn, mùi vị thơm ngon tinh khiết.
Với tình yêu trà cũng như đóng góp cho công tác giáo dục - đào tạo về trà, chị Ngô Thị Thanh Tâm được nhận bằng tôn vinh Trà sư. Chị chia sẻ: “Trong suốt cuộc đời 30 năm trước ấm và trà, 30 năm sau tình yêu ấy trong tôi vẫn vẹn nguyên và sẽ mãi theo tôi trong suốt hành trình đời mình”. Với chị “Yêu ấm không thể quên trà”, tình yêu ấm cổ và trà đã theo Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm trong nhiều năm qua.
“Tâm Trà Diệu Bảo” bộ sưu tập 1.000 ấm Tử Sa đa dạng về kiểu dáng
Đam mê trà và ấm Tử Sa, gần 30 năm tìm tòi và sưu tập, chị đã có trên 1.000 ấm Tử Sa cùng với nhiều bộ chén từ nguyên liệu quý hiếm độc đáo. Trên một ngàn ấm Tử Sa cũng là ngần ấy câu chuyện về mỗi chiếc ấm, bởi lẽ, mỗi chiếc ấm đối với chị như một sinh mệnh, nó không chỉ ở kỳ công, kỳ duyên của người sưu tầm mà chính ở sự tài hoa, sáng tạo, tâm huyết và trí tuệ của nghệ nhân đã tạo tác trên mỗi chiếc ấm. Những chiếc ấm như đại diện cho những thời kỳ văn hóa, là bộ mặt của sự tiến bộ, là chỉ báo, dấu hiệu đặc trưng cho thẩm mỹ của từng thời đại trong quá trình hình thành và phát triển ấm Tử Sa.
Ấm chén Tử Sa là loại ấm trà làm từ đất sét tử sa khai thác ở vùng Nghi Hưng, thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ấm Tử Sa dùng để pha trà thơm ngon hơn rất nhiều so với ấm thông thường do đặc tính giữ nhiệt của đất tử sa được chế tác và nung ở nhiệt độ khác nhau. Tuy nhiên, điều độc đáo nhất mà người sành ấm Tử Sa đam mê đó chính là nghệ thuật chuyển tải thông điệp văn hóa trà được nâng lên thành Trà đạo qua hình dáng ấm và minh họa thơ ca, hội hoạ, thư pháp, ... khắc trên ấm.
Các kiệt tác ấm - chén trong bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo” được trân quý và coi đó là bảo chứng lịch sử, bảo vật trường tồn theo thời gian bởi người sưu tầm chúng - Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm đã dành hơn nửa cuộc đời để sưu tập và lưu giữ. Cơ duyên đến với “Tâm Trà Diệu Bảo” của Trà sư bắt đầu từ năm 1993 khi chị sinh sống và làm việc tại Đài Loan. Theo thời gian, cùng quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi, chị bén duyên với ấm - chén trà từ bao giờ không hay. Tìm được ngọn lửa đam mê, trong suốt hơn 30 năm qua, chị vẫn không ngừng sưu tầm thêm những cổ vật mới, làm phong phú bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo” giá trị này. Và với Trà sư, ấm Tử Sa đã vượt khỏi chức năng là trà cụ thông thường mà là một vật phẩm vô giá vì nó ẩn tàng nhiều giá trị cổ xưa và văn hóa của nhân loại
Sưu tầm, nghiên cứu và học hỏi, có thế thấy sự am hiểu sâu rộng về ấm - chén Tử Sa của Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm khi tuyển chọn được những mẫu cổ vật tử sa quý giá. Đó là những sản phẩm được làm nên bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nổi tiếng thuộc làng nghề thủ công Nghi Hưng, có niên đại kéo dài từ thời nhà Thanh cho đến ngày nay. Mỗi một chiếc ấm Tử Sa có một kiểu dáng, một biểu đạt triết lý riêng mà người thưởng ấm phải hòa được tâm mình với tâm nghệ nhân mới thấu hiểu được sự kết hợp tài hoa của ba đỉnh cao trong một sản phẩm khi tạo ra những chén trà ngon và mang mùi vị riêng biệt.
Trà Việt đã có từ hơn 4.000 năm lịch sử
Việt Nam được coi là cái nôi của cây chè, bởi Trà đã phát triển cùng văn hoá của người Việt trong dòng chảy lịch sử suốt 4.000 năm qua. Trân trọng những nét tinh túy của trời đất, Trà Việt trở thành một thức uống thiêng liêng, nét văn hoá không thể thiếu đối với mỗi người dân đất Việt.
Theo tài liệu khảo cứu của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và ông Djemukhatze một nhà nghiên cứu thuộc Hàn lâm Viện Khoa học Liên Xô đã đến nghiên cứu vùng Trà cổ thụ tại Việt Nam bằng phương pháp sinh hoá thực vật vào năm 1976 đã tìm thấy dấu tích của lá chè và cây chè hóa thạch ở Đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Tiếp nữa, tại vùng Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Yên Bái trên độ cao khoảng 1.000 m trên mặt biển, có một vùng Trà hoang dại khoảng 40.000 cây, có 3 cây Trà cổ thụ sống hàng ngàn năm, cây lớn nhất chiều cao khoảng 9 thước, vòng thân ba người ôm không xuể; ở vùng Cao Bắc Lạng có những cây Trà hoang cổ thụ cao tới 18 thước. Cũng theo tài liệu khảo cứu của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam ghi nhận thì Việt Nam chính là quê hương của cây chè trên thế giới, hay còn gọi là một trong những chiếc nôi cổ nhất của cây chè thế giới.
Nhiều nước trên thế giới có cây chè, nhưng lại có lịch sử dùng trà muộn. Đối với người Việt, từ ngàn năm xưa đã hái và sử dụng trà như một vị thuốc bởi dược tính có trong trà. Người Việt vốn trọng nghĩa, trọng tình, dù sống trên núi cao, dưới đồng bằng hay vùng biển, dù là người sang, kẻ hèn đều có chung tập tục đó là uống trà. Trà xuất hiện trong mỗi gia đình người Việt để giải khát, tiếp khách và là những món quà tặng ý nghĩa cho những người thân, bạn bè…Tục uống trà của người Việt Nam đã có từ lâu đời. Ở thế kỷ 18, trong Vũ Trung tùy bút, Phạm Đình Hổ đã viết về tục uống trà từ trước đó hàng nghìn năm. Các triều đại phong kiến nước ta từ xưa đã dùng trà. Trà đã đi vào thi ca, văn hóa cổ, biểu hiện một phong độ văn hóa, sự thanh cao, tri kỷ, kết giao, lòng mong muốn hòa hợp, xóa đi những đố kỵ, thù hận. Nâng chén trà thơm mát, điều đó đồng nghĩa với sự sảng khoái, tịnh tâm, mưu điều thiện, tránh điều ác, là triết lý về sự tế nhị, thanh cao, suy ngẫm trong tỉnh táo…
Ngày nay, không khó để thấy những bàn uống trà có sự xuất hiện của nhiều loại trà cụ hơn, chất lượng ấm chén uống trà cũng được chú trọng hơn, cách pha với mỗi loại trà được nâng lên hẳn một vài bậc so với trước, thế nhưng, nếu nói đến việc thưởng trà, có lẽ người đầu tiên có thể được coi là ông Tổ của nghệ thuật thưởng trà tại Việt Nam đó là chúa Trịnh Sâm thế kỷ XVIII (1767-1782) với triết lý mộc mạc: “Muốn thưởng thức được vị ngon của trà - hãy làm Nô bộc cho Trà”. Đến thế kỷ 19, trà Việt được trà sĩ sành sỏi Cao Bá Quát (1809-1855), bổ sung thêm triết lý Trà Mộc với vị hương mộc mạc nguyên vẹn không ướp hoa mới thưởng thức hết cái vị đích thực của trà.
Trong câu chuyện bên tách trà, trò chuyện cùng chúng tôi, với phong thái thanh nhẹ như làn hương trà, ở Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm toát lên khí chất của một người chiến binh âm thầm giữ lửa và truyền lửa cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ tương lai về nét văn hoá trà đã tồn tại hơn 4.000 năm lịch sử phát triển đồng hành cùng với văn hoá người Việt.
Lễ vinh danh kỷ lục thế giới cho bộ sưu tập “Tâm Trà Diệu Bảo” sẽ diễn ra vào sáng ngày 28/5/2023 tại Trung tâm Hội nghị T78 (145 Lý Chính Thắng, phường &, quận 3, TP. HCM).
Mị Dung