Nghiên cứu: Tiêm vắc-xin Covid liều thứ ba có thể bảo vệ bệnh nhân suy giảm miễn dịch

14:53 16/06/2021

Theo nghiên cứu công bố vào thứ hai của Tạp chí Y khoa học thuật Annals of Internal Medicine, liều thứ ba của vắc-xin Covid có khả năng thúc đẩy lớp bảo vệ những người suy giảm hệ miễn dịch.

Các nhà khoa học tại trường Đại học Johns Hopkins tiến hành nghiên cứu mũi tiêm Covid thứ 3 trong đó bao gồm 30 bệnh nhân ghép tạng. Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều đã được tiêm đủ hai mũi vắc-xin trước đó (mRNA, Pfizer hoặc Moderna). Bởi vì các bệnh nhân nhận tạng cần sử dụng thuốc ức chế miễn dịch nhằm đảm bảo cơ thể họp tiếp nhận nội tạng mới, điều này gây nên lo ngại những người này không thể sản sinh ra phản ứng với vắc-xin. Trên thực tế, mặc dù đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng phần lớn bệnh nhân trong nghiên cứu (24 người) không có kháng thể chống lại vi-rút và sáu bệnh nhân chỉ có ít kháng thể. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Vì vậy, nhóm các nhà khoa học đã tiêm mũi vắc-xin thứ ba cho nhóm này, bao gồm cả Pfizer, Moderna hay Johnson & Johnson. Sau hai tuần quan sát, lượng kháng thể được đo lại lần nữa. Trong số những người không có kháng thể trước đó, có 8 bệnh nhân cải thiện tình hình sau mũi tiêm thứ ba. Sáu bệnh nhân đạt mức thấp đã tăng kháng thể chống lại vi-rút Corona. Mặc dù quy mô nghiên cứu nhỏ, tuy nhiên việc phát hiện hiện tượng này mang ý nghĩa lớn đối với hàng triệu người dân Mỹ suy giảm miễn dịch nhưng vẫn đang phải chiến đấu với Covid-19. Theo tổ chức United Network for Organ Sharing điều hành mạng lưới mua và cấy ghép nội tạng duy nhất ở Hoa Kỳ, nước Mỹ có hơn 17000 bệnh nhân ghép tạng chỉ trong vòng 5 tháng đầu tiên năm 2021.

Tiến sĩ, Dorry Segev, tác giả nghiên cứu kiêm phó chủ tịch, giáo sư phẫn thuật đại học Johns Hopkins cho biết: “Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến những bệnh nhân ghép tạng, suy giảm miễn dịch chính là Hy vọng”. Những bệnh nhân như Skeels phải ghép gan từ năm 2019, chỉ vài tháng trước khi đại dịch xảy ra dường như được tiếp thêm sức mạnh. Vài tháng trước, cô đã được tiêm chủng vắc-xin dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và được khuyên rằng tránh nhiễm bệnh hết sức có thể. Skeels kể: “Nhóm chuyên gia dặn tôi đừng thay đổi thói quen trong kỳ cách ly. Ở nhà nhiều nhất có thể. Khi đi ra ngoài cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách kể cả đã tiêm vắc-xin”.

Segev và các cộng sự còn chỉ ra rằng kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy chỉ có 17% các bệnh nhân ghép tạng có phản ứng sau liều vắc-xin Covid-19 lần đầu tiên. Tiêm lần thứ hai, con số này tăng lên 54% tuy nhiên vẫn còn 46% chưa được bảo vệ. Nghiên cứu nhấn mạnh, các mũi tiêm vắc-xin thêm không phải có hiệu quả với mọi bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Hiện vẫn chưa có thông tin đầy đủ liệu cách tiếp cận như trên có phù hợp với những bệnh nhân khác như tự suy giảm hoặc rối loạn miễn dịch hay không. Ông Segev chia sẻ: “Chúng tôi cần tìm ra cách khắc phục. Chúng tôi cần biết liệu có nên tiếp tục tiêm mũi thứ ba hay tìm hướng đi khác”. Điều này có nghĩa là, xác định phương thức can thiệp y tế với phản ứng vắc-xin và điều chỉnh phù hợp với người sau phẫu thuật ghép tạng là điều cần thiết. Phía ông Segev cũng bày tỏ mong muốn phát triển nghiên cứu với quy mô 1000 bệnh nhân. Lời khuyên tối ưu nhất mà giới chuyên gia có thể đưa ra lúc này là các bệnh nhân ghép tạng cần thận trọng, thực hiện biện pháp phòng dịch cộng đồng và giữ khoảng cách khi ra ngoài.

John Wherry, gián đốc khoa miễn dịch tại đại học Pennsylvania gọi nghiên cứu này là phát hiện cần thiết nhằm hiểu cách hoạt động của phản ứng miễn dịch trong cơ thể người bệnh. Mặc dù kết quả nghiên cứu còn một phần ba bệnh nhân không có phản ứng nhưng Wherry rất tích cực với những tín hiệu mới: “Một phần ba không phải con số không nhưng đem lại hứa hẹn cho những bệnh nhân đang sử dụng thuộc ức chế miễn dịch”. Một lần nữa, Skeels, bệnh nhân ghép gan tin tưởng vào khoa học: “Tôi biết rằng những bộ óc thiên tài đang làm việc tại đây và tôi có lòng tin, sự tự tin và lạc quan cho tương lai”.

TL