Theo đó, mục đích tổ chức lớp tập huấn nêu trên là nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiểu rõ, vận dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ trong Hiệp định RCEP. Đồng thời, nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên của hiệp định. Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An nhấn mạnh: Hiệp định RCEP được ký kết và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 là cơ hội để hàng hóa Việt Nam kết nối với chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, thông qua việc hài hòa các cam kết, quy định về xuất xứ hàng hóa trong các nước ASEAN+ mà Việt Nam tham gia trước đây. Trên cơ sở đó, vào ngày 25/2/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND để thực hiện hiệp định này trên địa bàn tỉnh.
Tham gia lớp tập huấn, đại diện các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh cũng đã phản ánh các vướng mắc, những băn khoăn xung quanh quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hoá và được đại diện Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, Sở Công Thương Nghệ An giải đáp tháo gỡ…Bên cạnh đó, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã khái quát chung về quy tắc chứng nhận xuất xứ trong RCEP, trong đó nêu rõ: Các quy định đối với xuất xứ thuần túy, sản xuất toàn bộ và xuất xứ không thuần túy của sản phẩm (thể hiện trong danh mục cụ thể hàng); các quy tắc chuyển đổi mã hàng hóa, phản ứng hóa học, ngoại trừ, các công đoạn chế biến, cộng gộp trong hiệp định…
Tại lớp tập huấn, giảng viên cũng đã thông tin về: Những điểm mới về xuất xứ hàng hóa trong hiệp định so với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam tham gia như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA…; các thủ tục chứng nhận xuất xứ trong hiệp định; cơ chế tự chứng nhận xuất xứ và các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia; một số vấn đề cần lưu ý khi thực thi quy tắc xuất xứ…
Văn Cương