Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trên địa bàn tỉnh. Trong Kế hoạch này, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, địa phương phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định RCEP và các văn bản liên quan đến các đối tượng liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu sự tác động như Hiệp hội và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, người lao động… thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, các ấn phẩm, tài liệu, các chương trình phát thanh và truyền hình, các lớp tập huấn, hội thảo, đối thoại nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực hiện hiệu quả Hiệp định RCEP.
Đồng thời, đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, dự báo về các thị trường xuất, nhập khẩu, thị trường trong nước của các cơ quan nhà nước có chức năng cung cấp thông tin về thương mại – đầu tư để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thể kịp thời nắm bắt: Yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước tham gia Hiệp định RCEP. Từ đó, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn hoạch định và triển khai chiến lược kinh doanh trong nước và đầu tư ra nước ngoài…
Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để cụ thể hóa, đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và yêu cầu quản lý nhà nước của tỉnh. Xây dựng quy chế phối hợp cung cấp thông tin về việc thực hiện Hiệp định RCEP giữa cơ quan đầu mối và các sở, ban, ngành, địa phương, các hội doanh nghiệp và doanh nghiệp… đảm bảo tính kịp thời, chính xác. Tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân phù hợp với các cam kết quốc tế. Có kế hoạch chuẩn bị các giải pháp ứng phó, chính sách phù hợp cho những ngành hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ Hiệp định. Tập trung cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất tiến tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Đổi mới mạnh mẽ, thực chất về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tham gia chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp từ các nước đối tác tham gia Hiệp định. Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, thu hút các doanh nghiệp từ các nước tham gia Hiệp định RCEP đến đầu tư, hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đối với các lĩnh vực trọng điểm có công nghệ hiện đại như nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, linh kiện điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí chế tạo… Nâng cao vai trò của các hiệp hội, hội doanh nghiệp trong việc thông tin, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và đổi mới văn hóa sản xuất, khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế…
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu việc thực hiện kế hoạch phải bám sát Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 4/1/2022 đảm bảo sự phù hợp các cam kết với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình và bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đảm bảo hiệu quả việc thực thi Hiệp định RCEP trên địa bàn tỉnh.
Văn Cương – Hoàng Lan