Ngành Thuế hướng tới “điện tử hóa" công tác thanh tra, kiểm tra

10:41 29/04/2021

Hiện nay, nghành Thuế chưa có cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Vì vậy, nghành đang hướng tới tiếp tục khắc phục những tồn tại, hướng tới việc thanh tra, kiểm tra trên nền tảng công nghệ nhằm tối ưu hóa công tác này.

Từ năm 2007, theo quy định của Luật Quản lý thuế, người nộp thuế thực hiện tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ thuế nộp vào ngân sách nhà nước. Sau đó, cơ quan Thuế thực hiện hậu kiểm qua công tác thanh tra, kiểm tra ở 3 cấp: Tổng cục Thuế, cục thuế và chi cục thuế.

Với vai trò hậu kiểm nhưng tổng số cán bộ được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra toàn Ngành chỉ khoảng trên 10.000 cán bộ, chiếm khoảng 26% tổng số công chức toàn ngành Thuế. Chính vì vậy, toàn ngành Thuế đã chú trọng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo nguyên tắc phân tích rủi ro người nộp thuế trên cơ sở phân tích dữ liệu người nộp thuế của các ứng dụng phần mềm phân tích rủi ro phục vụ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế (TPR) và ứng dụng hỗ trợ thanh tra, kiểm tra thuế (TTR); thực hiện nhật ký điện tử trong công tác thanh tra, kiểm tra. 

  Ngành Thuế hướng tới “điện tử hóa" công tác thanh tra, kiểm tra (ảnh: Minh họa)

Theo Tổng cục Thuế, một trong những tồn tại lớn nhất của công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay chính là nguồn nhân lực không đủ để đáp ứng khối lượng công việc. Thực tế, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp liên tục tăng qua các năm, giao dịch phức tạp, phạm vi rộng lớn cả trong và ngoài nước trong khi số lượng cán bộ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế tăng không đáng kể nên việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch thanh tra kiểm tra được giao đã tạo một sức ép rất lớn đến ngành Thuế.

Một thực tế khác mà chính ngành Thuế cũng phải thừa nhận là phương pháp, kỹ năng thanh tra, kiểm tra còn chậm chuyển biến, chưa theo kịp diễn biến và sự phát triển nhanh chóng của các tập đoàn, công ty đa quốc gia, đa ngành nghề, lĩnh vực. Việc thu thập, khai thác thông tin về người nộp thuế phục vụ cho phân tích, đánh giá rủi ro, giám sát tuân thủ người nộp thuế còn chưa có sự tập trung, thống nhất kết nối giữa các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ quản lý thuế.

Mặc khác, dù trong những năm qua, ngành Thuế đã luôn chú trọng và đẩy mạnh việc hỗ trợ của công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra từ khâu thu thập, chuyển đổi dữ liệu đến khâu xử lý, phân tích thông tin xác định mức độ rủi ro phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra người nộp thuế nhưng vẫn chưa có cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Đặc biệt, Tổng cục Thuế cho biết, việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, việc thanh toán đối với hoạt động thương mại điện tử chủ yếu được thực hiện thông qua các thẻ thanh toán quốc tế (Visa, Mastercard,..), nhưng hiện tại các giao dịch thanh toán được thực hiện trực tiếp từ người sử dụng dịch vụ đến người cung cấp dịch vụ (không qua hệ thống các ngân hàng thương mại). Dữ liệu của các ngân hàng thương mại đa phần là dữ liệu cũ (xác định dữ liệu khách hàng đăng ký từ nhiều năm trước) dẫn đến nhiều trường hợp các cá nhân không còn cư trú tại địa điểm theo dữ liệu của các ngân hàng,... Do vậy, việc xác minh các đối tượng sử dụng dịch vụ và cung cấp dịch vụ gặp rất nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý thuế có liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra thuế như: đề xuất bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế; hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá nhằm đảm bảo bảo sự chặt chẽ với các quy định pháp luật có liên quan: pháp luật ngoại hối, hải quan, đầu tư, khoa học và công nghệ, về xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tin…

Ngành Thuế cũng sẽ tiếp tục áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế trên cơ sở kết quả đánh giá tuân thủ người nộp thuế phù hợp với đặc điểm của từng nhóm người nộp thuế về quy mô, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế nhằm tự động hóa một số bước công việc thanh tra, kiểm tra dựa trên nền tảng quản lý thuế điện tử và kết nối dữ liệu tự động với bên thứ ba. Đặc biệt, ngành Thuế sẽ chú trọng công tác kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ thanh tra, kiểm tra; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng thanh tra, kiểm tra thuế.

PV (t/h)