Đến nay, các doanh nghiệp ngành dệt may mới có đơn hàng đến hết tháng 10, đang trong quá trình tiếp tục đàm phán cho những đơn hàng mới. Trong đó, không ít doanh nghiệp buộc phải giảm giá, chấp nhận đơn hàng nhỏ, lẻ nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Đại diện Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương Phan Lê Diễm Trang cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn đang rơi vào tình trạng "đói" đơn hàng, nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải cho công nhân nghỉ việc, dừng sản xuất. Một số doanh nghiệp sử dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", trích quỹ dự phòng để cầm cự, đợi đơn hàng mới.
Ðáng chú ý, các đơn hàng từ nay đến quý I/2023 của các doanh nghiệp da giày cũng gần như bị suy giảm. Ngoài ra, ngành da giày đang tồn kho khá lớn do gián đoạn chuỗi cung ứng khiến đơn hàng cuối năm chững lại. Ðể đối phó tình trạng nêu trên, các doanh nghiệp đành cắt giảm nhà thầu phụ, giảm thời gian tăng ca, cho công nhân và khuyến khích công nhân nghỉ phép năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đàm phán với một số khách hàng để có thể sử dụng lại những đơn hàng trong mùa dịch họ đã từ chối nhằm duy trì hoạt động, bảo đảm đời sống cho người lao động.
Ngoài ra, kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU khiến sức mua giảm, làm ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của các doanh nghiệp, thậm chí, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng.
Theo chia sẻ của Tổng công ty May Ðáp Cầu trên báo Nhân dân, trong bối cảnh nhiều khó khăn khi khách hàng có xu hướng đặt đơn hàng số lượng nhỏ, hoặc nhiều đơn hàng đã ký nhưng bị trì hoãn thời gian giao, May Ðáp Cầu đã chuyển hướng sang tìm kiếm các đơn hàng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Mặc dù hai thị trường này khó tính hơn rất nhiều thị trường Mỹ với các tiêu chuẩn khắt khe, quy mô đơn hàng nhỏ nhưng đơn vị sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của khách, đồng thời quyết tâm duy trì được thành quả trong bảy tháng qua cũng như đẩy mạnh tìm kiếm các đơn hàng nhỏ hơn để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Ðại diện Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp sản xuất ngành da giày, túi xách không nên tập trung vào một số thị trường mà cần đa dạng hóa từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp mong mỏi Chính phủ sớm phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035", tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm, giải quyết điểm nghẽn về vải, đáp ứng yêu cầu xuất xứ và tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.
Ngành da giày hiện mới chỉ sản xuất được các dòng sản phẩm có chất lượng mới ở mức trung bình của thế giới, nếu chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng, tay nghề của đội ngũ lao động được nâng lên, sẽ đem lại giá trị cao hơn cho sản phẩm. Ngoài ra, Hiệp hội cũng khuyến cáo doanh nghiệp tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, như môi trường xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa bảo đảm ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững.
P.V