Ngành công nghiệp xa xỉ “thay áo” hậu đại dịch

11:18 04/06/2021

Những năm trước đại dịch, ngành công nghiệp xa xỉ đạt khá tốt về mặt doanh số, tăng trưởng bền vững phần lớn nhờ vào sự góp mặt của tầng lớp thượng lưu, trung lưu ngày càng tăng của Trung Quốc. Năm 2020, các quốc gia lần lượt đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn đại dịch, triển vọng du lịch biến mất, có thể nói hàng hóa xa xỉ không còn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Bain & Company, năm 2020, thị trường xa xỉ đã giảm mạnh tới 23%, “cú đánh” tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử đồng thời là đợt thu hẹp quy mô bán hàng đầu tiên trong nhiều năm. Tuy nhiên một trong số ít những thương hiệu hàng đầu thế giới như Richemont, Louis Vuitton và Hermes đã đạt mốc tăng trưởng đáng kể nhờ doanh số bán hàng tăng vọt, mở ra trang mới trong hoạt động kinh doanh hàng xa xỉ. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Nhiều nhà sản xuất đồng hồ sang trọng như Chopard và IWC Schaffhausen đã thiết lập các cửa hàng trực tuyến. Hai trong số ba “gã khổng lồ” là Patek Phillippe và Audemars Piguet cũng chuyển sang thương mại điện tử thông qua cơ hội bán hàng trực tuyến tạm thời cho các nhà bán lẻ được ủy quyền và thỏa thuận với Net-a-Porter. Bài toán hóc búa mà các thương hiệu xa xỉ phải đối mặt đã vượt ra khỏi sự miễn cưỡng tiếp nhận thương mại điện tử. Tính hữu hình của trải nghiệm xa xỉ đã trở thành một thách thức đối với một ngành công nghiệp luôn sống trong sự hào nhoáng và lộng lẫy. Baselworld và Watches and Wonders, hội chợ sản xuất đồng hồ thường niên nổi tiếng đã đóng cửa vào năm 2020 và trình diễn kỹ thuật số thay thế. Số phận tương tự ập đến với các tuần lễ thời trang tháng Bảy ở Paris chỉ mở cửa cho khách tham quan trực tuyến. Triển lãm Ô tô Quốc tế Geneva, chuyên các loại xe cao cấp cũng trở thành “mồi ngon” của đại dịch. Thúc đẩy tiếp cận kỹ thuật số là tất yếu nhưng câu hỏi đặt ra làm thế nào để mang trải nghiệm sang trọng hữu hình thể hiện thông qua phương tiện trực tuyến?

Khám phá thế giới công nghệ cao đồng nghĩa với sáng tạo, tạo tiền đề cho các thương hiệu sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Nhiều nhãn hàng lựa chọn sử dụng bộ lọc AR cho phép người dùng thử nhiều sản phẩm khác nhau, chẳng hạn như kính mát Dior hoặc giày thể thao Gucci, mang lại trải nghiệm càng thực tế càng tốt. Bvlgari đã triển khai một công cụ dùng thử tương tự để khởi chạy bộ sưu tập Barocko. Bên cạnh đó, một số thương hiệu cũng thành công trong việc duy trì liên hệ với khách hàng cao cấp thông qua LinkedIn. Mạng xã hội này cung cấp một bộ công cụ mạnh mẽ cho các nhà tiếp thị thông qua chương trình đối tác, hợp tác với nhiều nền tảng, chẳng hạn như Paragone.ai giúp các thương hiệu theo dõi các chiến dịch trên nhiều kênh. Rất nhiều công ty tận dụng AI dự đoán để đánh giá triển vọng của các nỗ lực tiếp cận sắp tới và tối ưu hóa hoạt động tiếp thị ra nước ngoài của thương hiệu.

IWC Schaffhausen đã số hóa cửa hàng hàng đầu của hãng tại trung tâm mua sắm ION Orchard mang tính biểu tượng của Singapore bằng hình ảnh 360 độ, biến nơi đây trở thành một cửa hàng kỹ thuật số mà khách hàng có thể tự mình khám phá hoặc có cố vấn luôn trực sẵn. Số khác lựa chọn số hóa các phòng thay đồ, sử dụng các công cụ thực tế tăng cường để cho phép khách hàng thử một loạt các mặt hàng và phụ kiện sang trọng, chẳng hạn như giày thể thao Off-White hoặc hoa tai Kendra Scott. Giờ đây khi phần lớn các quốc gia bắt đầu phục hồi sau đại dịch, mở rộng sang lĩnh vực kỹ thuật số sẽ trở thành tương lai mới của ngành hàng xa xỉ, người dùng ngày càng quen thuộc với sự tiện lợi mà công nghệ mang lại, thúc đẩy đổi mới kỷ nguyên tiếp thị kỹ thuật số.

TL