![]() |
Ngành công nghiệp robot tại Trung Quốc phát triển với tốc độ ấn tượng |
Tính đến tháng 12/2024, Trung Quốc ghi nhận 451.700 công ty hoạt động trong lĩnh vực robot thông minh, với tổng vốn đầu tư lên tới 884,27 tỉ USD. Kể từ năm 2020, số lượng công ty trong ngành đã tăng 206,73% cho thấy xu hướng phát triển ổn định.
Chỉ trong năm 2024, ngành công nghiệp robot thông minh đã ghi nhận mức tăng trưởng 19,39%, phản ánh nhu cầu và đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ robot tại Trung Quốc. Hầu hết các công ty robot thông minh tại Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, dịch vụ kỹ thuật, công nghệ thông tin và bán hàng, chiếm gần 80% tổng số doanh nghiệp trong ngành.
Về mặt địa lý, khu vực phía đông Trung Quốc chiếm ưu thế khi sở hữu hơn 2/3 tổng số doanh nghiệp robot. Trong khi đó, các khu vực trung và tây bắc Trung Quốc cũng duy trì sự hiện diện vững chắc, lần lượt chiếm 15,33% và 14,97% tổng số doanh nghiệp.
Trung Quốc đã giữ vững vị thế là thị trường robot công nghiệp lớn nhất thế giới trong 10 năm liên tiếp. Theo Liên đoàn Robot quốc tế (IFR), năm 2023, xuất khẩu robot công nghiệp của Trung Quốc đã đạt kỷ lục 118.300 bộ. Các sản phẩm robot bán chạy ở nước ngoài chủ yếu được ứng dụng trong sản xuất thiết bị gia dụng, ô tô, điện tử truyền thông, hậu cần và kho bãi... Ngoài ra, ngành công nghiệp bán dẫn và năng lượng mới cũng đang phát triển nhanh chóng.
Với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, chi phí lao động ở các nước phát triển đã gia tăng và hiệu quả của việc sử dụng robot đã được cải thiện. Trong thời gian tới, ngành công nghiệp robot dự kiến sẽ ngày càng được chú trọng trên thế giới. Tại Trung Quốc, nhiều ngành công nghiệp mới cùng các kịch bản ứng dụng đa dạng đang mở ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho ngành robot trong tương lai.
Gần đây, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã vạch ra các mục tiêu đầy tham vọng: Trong năm 2025, Trung Quốc phải thiết lập được một hệ thống đổi mới mạnh mẽ cho robot hình người, đạt được sản xuất hàng loạt và tích hợp những cỗ máy này vào các ngành sản xuất cũng như dịch vụ công.
Sự công nhận và hậu thuẫn của chính quyền trung ương đối với robot hình người đang thúc đẩy các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đẩy nhanh nỗ lực của họ. Các thành phố lớn đang chạy đua ban hành các chính sách với tham vọng trở thành trung tâm robot hình người.
Trong thời gian ngắn kể từ khi ngành công nghiệp này bắt đầu phát triển vào năm 2022, ít nhất 8 trung tâm đổi mới robot hình người cấp địa phương hoặc quốc gia đã được thành lập trên khắp Trung Quốc, năng lực thậm chí vượt qua nhiều công ty lâu năm trong lĩnh vực này.
![]() |
Trung Quốc coi robot hình người là nền tảng cho sức mạnh kinh tế của quốc gia trong tương lai. |
Trung Quốc dự kiến ngành công nghiệp robot hình người của nước này sẽ mở rộng nhanh chóng trong năm nay với sự hỗ trợ của chính phủ và tăng trưởng dựa vào đầu tư. Quy mô ngành dự kiến vượt 20 tỷ nhân dân tệ (2,76 tỷ USD) vào năm 2026.
Theo báo cáo Nghiên cứu ngành công nghiệp robot hình người được công bố tại Hội nghị AI thế giới năm ngoái, giá trị thị trường robot hình người của Trung Quốc dự kiến tăng gần gấp đôi từ 2,76 tỷ nhân dân tệ (3,79 tỷ USD) vào năm 2024 lên 5,3 tỷ nhân dân tệ (7,28 tỷ USD) trong năm nay, sau đó tăng vọt lên 75 tỷ nhân dân tệ (10,3 tỷ USD) vào năm 2029, chiếm gần 1/3 thị trường toàn cầu.
Trong một động thái khác, vào ngày 11/2 vừa qua, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã trình làng robot 4 chân nhanh nhất thế giới, với tốc độ di chuyển lên tới 10m/s, tương đương vận tốc của các vận động viên điền kinh chuyên nghiệp trong các cuộc đua cự ly ngắn.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), robot có tên Black Panther (Báo Đen) do Trung tâm Đổi mới khoa học và công nghệ quốc tế Hàng Châu thuộc trường Đại học Chiết Giang phát triển.
![]() |
Robot 4 chân nhanh nhất thế giới có tên là Black Panther (Báo Đen) |
Nhà nghiên cứu Jin Yongbin thuộc Viện Robot hình người của Trung tâm Đổi mới khoa học và công nghệ quốc tế Hàng Châu cho biết Black Panther có thể duy trì tốc độ kỷ lục này trong hơn 10 giây liên tục. Tuy nhiên, để đạt hiệu suất tối ưu, robot cần các điều kiện lý tưởng như mặt phẳng chất lượng cao và dòng điện ổn định.
Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch phát triển phiên bản tiếp theo của Black Panther với mục tiêu nâng tốc độ lên 15m/s.
Nếu thành công, robot này có thể mở rộng phạm vi ứng dụng trong nhiều lĩnh vực quan trọng như ứng phó tình huống khẩn cấp, hoạt động cứu hộ hay ứng dụng trong công nghiệp.
Sự bùng nổ của ngành công nghiệp robot thông minh và robot hình người tại Trung Quốc, cùng những đột phá công nghệ như robot Black Panther, không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu của quốc gia này trong cuộc đua robot toàn cầu, mà còn mở ra triển vọng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, góp phần định hình tương lai của nền kinh tế số và xã hội thông minh.