ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống còn 6,3%
Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất huy động ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục giảm
Siết an toàn vốn
Yêu cầu quan trọng mà Basel III đặt ra là nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đối với vốn cổ phần lên 4,5% và quy định thêm mức đệm bảo toàn vốn (CCB) ≥ 2,5% và đệm phản chu kỳ (CCyB) từ 0 - 2,5%, từ đó nâng tổng mức an toàn vốn tối thiểu đối với vốn cổ phần lên 7%, tỷ lệ an toàn vốn và các bộ đệm cũng tăng lên tới tối thiểu 10,5%.
Ngoài ra, tỷ lệ đòn bẩy không thấp hơn 3%, tỷ lệ thanh khoản ngắn hạn (LCR) và dài hạn (NSFR) đều phải từ 100% trở lên.
Bộ tiêu chuẩn này không chỉ nhằm gia cố khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng trước các cú sốc từ thị trường mà còn hướng đến chuẩn hóa toàn diện quản trị rủi ro và công bố thông tin minh bạch.
Thông tư 14 hướng dẫn cách xác định và giá trị tối thiểu của các tỷ lệ an toàn vốn mà các ngân hàng cần phải duy trì gồm tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
Theo đó, ngân hàng thương mại không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ gồm: tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu 4,5%; tỷ lệ vốn cấp 1 tối thiểu 6% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) 8%.
Đối với ngân hàng thương mại có công ty con, các tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và hợp nhất cũng phải đáp ứng các mức tương ứng: vốn lõi cấp 1 tối thiểu 4,5%, vốn cấp 1 tối thiểu 6% và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%.
Đáng lưu ý, lần đầu tiên, Thông tư 14 đưa ra các quy định về các bộ đệm vốn gồm: bộ đệm bảo toàn vốn (CCB), bộ đệm vốn phản chu kỳ (CCyB) và bộ đệm vốn cho các ngân hàng thương mại có tầm quan trọng hệ thống.
Cụ thể, CCB là phần tỷ lệ vốn lõi cấp 1 còn lại sau khi ngân hàng đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ an toàn vốn (bao gồm tỷ lệ vốn lõi cấp 1, tỷ lệ vốn cấp 1 và tỷ lệ an toàn vốn).
![]() |
Lộ trình triển khai Bộ đệm bảo toàn vốn (CCB) |
Mặc dù Thông tư 14 quy định các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về tỷ lệ an toàn vốn cao hơn theo lộ trình, nhưng cũng đưa ra những điều chỉnh đối với Tài sản có rủi ro tín dụng theo hướng hỗ trợ đối với một số phân khúc, ví dụ như hoạt động cho vay cá nhân và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Thông tư 14 cũng giới thiệu phương pháp xếp hạng nội bộ, yêu cầu mức độ chi tiết dữ liệu tương đương chuẩn IFRS (chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế). Điều này có thể là thách thức đối với các ngân hàng quy mô nhỏ hơn.
Trước đó, nhằm luật hóa các yêu cầu cốt lõi của Basel III trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, NHNN đã và đang tích cực xây dựng khung pháp lý mới. Minh chứng là NHNN đã thông qua Dự thảo Thông tư số 13/2018/TT-NHNN (ngày 18/5/2018) quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, nhấn mạnh vai trò của Hội đồng quản trị, củng cố mô hình 03 tuyến phòng thủ, và cải thiện quy trình đánh giá mức độ đủ vốn nội bộ.
Hay trong dự thảo sửa đổi Thông tư 52/2018/TT-NHNN cũng được đề xuất, với việc đưa thêm một vài tiêu chí vào các chỉ số đánh giá chất lượng tài sản, như: dư nợ cho vay của 100 khách hàng lớn nhất, tỷ lệ bao phủ với nợ Nhóm 2 tới Nhóm 5, và tỷ lệ tài sản có khác trên tổng tài sản.
Giảm hệ số rủi ro cho vay đối với SME, cá nhân nông nghiệp, bất động sản
Theo nhận định của SSI, ở khía cạnh khác, Thông tư 14 giảm hệ số rủi ro đối với một số loại tài sản nhất định theo phương pháp tiêu chuẩn – đặc biệt đối với cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay lĩnh vực nông nghiệp và cho vay cá nhân. Những điều chỉnh này nhằm giảm chi phí vốn và tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho một số lĩnh vực.
Việc tối ưu hóa Tài sản có rủi ro tín dụng trực tiếp làm giảm yêu cầu vốn đối với các khoản vay đủ điều kiện (có tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản thấp, tài sản đảm bảo đủ điều kiện và dòng tiền mạnh để trả nợ), cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng mà không vi phạm ngưỡng an toàn vốn.
Chẳng hạn, không quy định hệ số rủi ro đối với riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản như trước. Hệ số 200% chỉ áp dụng trong một số trường hợp cụ thể: (1) Doanh nghiệp không cung cấp Báo cáo tài chính cho ngân hàng để tính các chỉ tiêu doanh thu, tỷ lệ đòn bẩy, vốn chủ sở hữu (trừ trường hợp doanh nghiệp thành lập mới, (2) Doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm hoặc bằng 0.
![]() |
Điều chỉnh tài sản có rủi ro tín dụng (RWA) theo Thông tư 14 |
Theo quan điểm của SSI, Thông tư 14 là bước chuyển mình tích cực của NHNN, để đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực an toàn quốc tế – nâng cao mức độ an toàn hệ thống, tính minh bạch và khả năng phản ứng với rủi ro.
Tuy nhiên, bằng cách giảm hệ số rủi ro theo phương pháp tiêu chuẩn ở một vài phân khúc cho vay và cho phép lộ trình triển khai theo từng giai đoạn, Thông tư 14 tạo điều kiện mở rộng tín dụng bền vững, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP theo định hướng của Chính phủ.
Mặc dù Thông tư 14 tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng hiệu quả hơn về mặt vốn, nó cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không được quản lý một cách thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức cao.
SSI cho rằng trong bối cảnh không còn áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ cần áp dụng bộ công cụ giám sát linh hoạt hơn, bao gồm Bộ đệm vốn phản chu kỳ và tăng cường giám sát rủi ro thanh khoản cũng như rủi ro lãi suất.
![]() |
Hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng năm 2024 |
Trong ngắn hạn, SSI kỳ vọng các ngân hàng sẽ chuyển sang áp dụng Thông tư 14 theo phương pháp tiêu chuẩn, vì điều này giúp cải thiện hệ số an toàn vốn và hỗ trợ mở rộng danh mục cho vay có chọn lọc. Một số ngân hàng sẽ có nhu đầu đẩy mạnh vốn cấp 1 để để hỗ trợ tăng trưởng dài hạn bền vững hơn.