Theo Morning Star, lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ số lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ (EBITDA) hàng tháng của Lazada đã chuyển từ âm sang dương vào tháng 7. Trong một cuộc họp nội bộ diễn ra mới đây, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lazada, James Dong đã nhấn mạnh, đây là một bước ngoặt quan trọng, khẳng định tính hiệu quả của chiến lược kinh doanh mà Lazada đang triển khai. Việc đạt được EBITDA dương không chỉ xác nhận tính hiệu quả trong cách tiếp cận của công ty, mà còn tiếp thêm động lực để Lazada tiếp tục tăng cường đầu tư vào thị trường Đông Nam Á, nhằm hướng tới một lộ trình phát triển bền vững và dài hạn.
Lazada đã đạt EBITDA dương nhờ vào việc nâng cấp nền tảng và tối ưu hóa quy trình vận hành. Dù Alibaba Holding, công ty mẹ của Lazada, chưa công bố chi tiết cụ thể về chỉ số này, nhưng họ khẳng định rằng, mức lỗ trên mỗi đơn hàng của Lazada đã giảm đáng kể nhờ tăng doanh thu và giảm chi phí hậu cần.
Trong khi đó, theo SCMP, cột mốc này là thành quả của nhiều biện pháp khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả, bao gồm hoạt động ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, tiếp thị trực tuyến, ưu đãi cho người dùng và dịch vụ hậu cần được tối ưu hóa. Được biết, Lazada đang có kế hoạch thực hiện các sáng kiến khác nhằm giúp đảm bảo thành công lâu dài.
Trong quý I/2024, mảng thương mại điện tử của Alibaba Holding, bao gồm Lazada, AliExpress, Trendyol, Alibaba và Daraz, đã đạt doanh thu 27,45 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3,8 tỷ USD), tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Riêng Tập đoàn Alibaba đạt mức tăng trưởng doanh thu 7%. Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Alibaba đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Đông Nam Á, nơi Lazada đang hoạt động mạnh mẽ.
Hiện tại, Lazada có trụ sở tại Singapore và đang hoạt động ở 6 quốc gia Đông Nam Á, với mục tiêu đạt 300 triệu khách hàng vào năm 2030. Từ khi ra đời vào năm 2012, Lazada đã phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như Sea, Amazon và TikTok Shop. Alibaba đã thâu tóm cổ phần của Lazada vào năm 2016 và không ngừng điều chỉnh chiến lược nhằm tái hiện thành công tại thị trường quốc tế như đã làm ở Trung Quốc.
Đối thủ lớn nhất của họ ở Đông Nam Á là Shopee, một nền tảng do Sea Limited, một công ty có trụ sở tại Singapore được niêm yết tại Hoa Kỳ, điều hành. Shopee vẫn là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu trong khu vực với 48% thị phần, theo báo cáo của Momentum Works vào tháng 7.
Báo cáo cũng cho biết, TikTok Shop thuộc sở hữu của ByteDance đã tăng gần gấp bốn lần GMV hàng năm lên 16,3 tỉ USD vào năm 2023, vượt qua Lazada để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai trong khu vực, sau khi mua lại quyền kiểm soát công ty Tokopedia của Indonesia vào tháng 12 năm ngoái.
Tú Anh (T/h)