Năm 2020: Dù ảnh hưởng Đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại, xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt kỷ lục gần 5000 tỷ USD

09:45 16/01/2021

Năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương trong thương mại hàng hóa nước ngoài, quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc năm 2020 đạt 32.16 nghìn tỷ tệ (khoảng 4.970 tỷ USD), tăng 1.9% so với cùng kỳ.

Hải quan Trung Quốc mới đây công bố số liệu xuất nhập khẩu của nước này trong năm 2020. Theo đó, mặc cho đại dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại căng thẳng với Mỹ, nhưng quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc năm 2020 đạt 32.16 nghìn tỷ tệ ( khoảng 4.970 tỷ USD), tăng 1.9% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu tăng 3.6% lên 2.6 nghìn tỷ USD. .

Mặc đại dịch COVID và thương chiến, Xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục gần 5000 tỉ USD
Mặc dù ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mai Mỹ-Trung, xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục gần 5000 tỉ USD.

Người phát ngôn Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Vụ trưởng Vụ Phân tích thống kê, ông Li Kuiwen, cho biết, các chỉ số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và kim ngạch xuất khẩu nói riêng năm 2020 đều lập những kỷ lục mới trong lịch sử. Trong tháng 12/2020 xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng 18.1% so với cùng kỳ, đạt 281.93 tỷ USD.

Trong cả năm, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 535 tỷ USD, tăng vọt 27% so với năm 2019 và cao nhất kể từ năm 2015, đem lại nguồn thu khổng lồ cho ngân sách Trung Quốc. Đặc biệt, thặng dư thương mại với Hoa Kỳ là 317 tỷ USD, tăng hơn 7% so với năm 2019. Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 12 đạt 78,2 tỷ USD, cao hơn mức ước tính trung bình 72 tỷ USD trong một cuộc khảo sát của Bloomberg. Mức này kém hơn so với mức kỉ lục tăng 21,1% của tháng 11 - trong khi nhập khẩu tăng 6,5%.

2020 là một năm khó khăn cho toàn thế giới với những diễn biến phức tạp, cùng với tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại với Mỹ. Dù vậy, lĩnh vực xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã thu về kết quả tốt so với dự kiến. "Trung Quốc trở thành nền kinh tế then chốt duy nhất trên toàn cầu đạt được tăng trưởng về thương mại hàng hóa," ông Li nêu tại cuộc họp báo sáng 14/1. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã tăng 34,5% trong tháng 12 so với một năm trước đó, trong khi nhập khẩu hàng hóa của Mỹ tăng 47,7%.

Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) cho rằng, xuất khẩu của Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn toàn cầu vì hai lý do.

Thứ nhất, nước này đã ngăn chặn thành công sự lây lan của virus và khôi phục năng lực sản xuất, trong khi hầu hết nền kinh tế lớn khác vẫn đang vật lộn với các vấn đề sản xuất.

Thứ hai, sự chuyên môn hóa các ngành sản xuất đóng vai trò rất linh hoạt trong môi trường bất ổn. Các mặt hàng chính của nước này phục hồi rõ rệt, đơn cử như dệt may được hỗ trợ bởi nhu cầu khẩu trang.

"Sự phục hồi của Trung Quốc đã duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu. Khả năng phục hồi của Trung Quốc không chỉ mang lại lợi ích cho chính họ mà còn có lợi cho nền kinh tế toàn cầu", Nhà kinh tế trưởng Zhu Haibin của J.P. Morgan nói.

Theo vị chuyên gia, bất chấp đại dịch và du lịch quốc tế bị gián đoạn, Trung Quốc vẫn tăng cường sự mở cửa. Nước này đã đạt được những thành tựu đáng chú ý trong việc thúc đẩy thương mại đa phương năm qua, bao gồm ký kết RCEP và kết thúc đàm phán hiệp ước đầu tư Trung Quốc-EU.

"Những yếu tố thể chế này rất quan trọng, bởi Trung Quốc có thể phát huy ảnh hưởng tích cực của mình đối với thương mại và đầu tư quốc tế một cách hiệu quả hơn trước", Chris Leung, Trưởng ban kinh tế Trung Quốc của Ngân hàng DBS (Singapore), đánh giá.

Nhiều chuyên gia đều đánh giá, cỗ máy xuất khẩu của nước này được dự báo sẽ đặc biệt bận rộn trong quý đầu năm 2021 khi Tết Âm lịch Tân Sửu đến gần. Dịp nghỉ lễ năm nay ở Trung Quốc được cho là có nhiều khác biệt so với các năm trước, bởi dịch Covid-19 có dấu hiệu trở lại khiến nhiều địa phương khuyến cáo người lao động không di chuyển về quê ăn Tết mà vẫn đi làm.

Bảo Bảo