Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững hãy ứng dụng tư tưởng đạo phật

22:49 15/05/2022

Ngày nay khi mà xã hội phát triển việc kinh doanh là một trong những yếu tố đưa đất nước phát triển theo hướng tích cực nên việc ứng dụng tư tưởng đạo Phật vào kinh doanh không còn mới mẻ. Bởi lẽ, khi doanh nghiệp đưa triết lý của nhà Phật vào trong kinh doanh là lúc những sản phẩm doanh nghiệp tạo ra sẽ đề cao chất lượng sản phẩm, đề cao thương hiệu sẽ ngày càng được người tiêu dùng biết đến từ đó người tiêu dùng tin tưởng và đưa thương hiệu đến người tiêu dùng nhiều hơn.

Kinh doanh là nghề gặp nhiều thách thức nhất là hiện nay đang trong thời buổi kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu, sự cạnh tranh về sản phẩm và dịch vụ giữa các doanh nghiệp ngày càng diễn ra gay gắt. Chủ doanh nghiệp luôn đứng trước nhiều sự lựa chọn, cân nhắc giữa những thiệt hại và lợi ích. Cuộc chiến thương trường khắc nghiệt này, không ít doanh nghiệp chỉ chú tâm đến việc làm sao thu về cho mình thật nhiều lợi nhuận mà quên đi các giá trị đạo đức khác. Thậm chí còn bỏ qua lương tâm nghề nghiệp mà gây tổn hại đến môi trường và các lợi ích xã hội. 

Ảnh minh họa

Triết lý đạo Phật sẽ giúp các doanh nghiệp hài hòa yếu tố cạnh tranh, gia tăng sự bền vững.

Điều đặt ra hiện nay là không ít doanh nghiệp với mục đích tối đa hóa lợi nhuận đã bỏ qua sức khỏe của người tiêu dùng mà cạnh tranh không lành mạnh, thêm vào sản phẩm các chất độc hại, phụ gia… Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp kinh doanh chân chính, gây tâm lý bất an, lo lắng cho người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng. Vì lẽ đó mà ứng dụng tư duy đạo Phật vào kinh doanh như là một giải pháp hiệu quả cho vấn đề trên. Theo đạo Phật, nghề nghiệp của mỗi người sẽ ảnh hưởng đến các nhìn nhận và suy nghĩ của người đó. Vì vậy, cần tránh những việc như buôn bán chất kích thích, chất độc hại, vũ khí, sinh vật sống, không giết hại động vật để giữ gìn lương tri cho mình.

Với lý do trên mà triết lý nhà Phật đang ngày được lan rộng những tư tưởng của đạo phật đã giúp các nhà kinh doanh hài hòa yếu tố cạnh tranh, gia tăng sự bền vững, hòa hiếu giữa người với người và giữa con người với thiên nhiên. Một chuyên gia nghiên cứu kinh tế học Phật pháp người Nhật Bản đã mô tả mô hình kinh tế học theo triết lý nhà Phật với các đặc tính cơ bản như: mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng; dựa trên nguyên tắc về lòng bao dung và sự hòa hợp; bảo vệ sự vững bền của Trái Đất.

Đầu tiên tư tưởng giữ lương tâm trong sáng: Có thể khẳng định đây là một trong những yếu tố hàng đầu và cực kỳ quan trọng. Người làm kinh doanh luôn phải tiếp xúc với tiền tệ và tài chính. Nhiều người thấy lợi nhuận đặt ra trước mắt liền quên hết lương tâm và bỏ qua các giá trị đạo đức, những người làm ăn chộp dật dễ ràng bị người tiêu dùng xa lánh. Vì vậy, kinh doanh cần đi liền với chữ Tâm nếu muốn khẳng định uy tín, chất lượng và tồn tại lâu dài. Làm theo cách ăn xổi ở thì, không trong sạch cũng đồng nghĩa với việc đang từ từ bước đến con đường tha hóa và thất bại.

Thứ hai là Tự lợi và Lợi tha: Từ lâu những người làm ăn chân chính luôn đề cao tư tưởng làm lợi cho bản thân và làm lợi cho mọi người, mọi loài. Trong kinh doanh, cần hợp tác để có lợi cho cả đôi bên thì mối quan hệ giữa các đối tác làm ăn sẽ luôn bền vững, cùng sinh lợi nhuận. Coi sự tồn tại và lợi ích của người khác cũng là của mình để tránh làm mất đi những giá trị tốt đẹp và lớn lao hơn. Nếu đặt lợi ích của mình lên trên hết thì kinh doanh sẽ không tồn tại lâu sẽ bị xã hội đào thải vì thế mà cần phải cùng nhau hợp tác và phát triển thì mới sinh ra được nguồn lợi bên vững. 

Ảnh minh họa
Khái niệm kinh doanh theo triết lý nhà Phật đang ngày được lan rộng và chấp nhận.

Thứ ba tính Vô thường: Nói đến đạo phật thì người ta không thể bỏ qua tư tưởng Vạn vật chuyển biến không ngừng nghỉ cùng vũ trụ. Có những chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp, nhưng cũng có sự chuyển biến mang tính phá vỡ. Đó là quy luật khách quan. Nếu đầu tư vào một dự án kinh doanh không mang về kết quả, thậm chí là mất cả chì lẫn chài, hãy can đảm để xây dựng lại. Vô thường để hủy hoại và vô thường để hình thành. Có khi thất bại này lại mở ra một cánh của khác tốt đẹp hơn. Việc của chúng ta là không nản lòng và mỉm cười bước tiếp.

Thứ tư Tính nhân quả: Nhân quả là quy luật tồn tại khách quan trong việc xây dựng đất nước, xã hội ngày một tốt đẹp, phồn thịnh hơn. Nếu các doanh nghiệp và doanh nhân làm việc với tâm trong sáng, lợi mình nhưng cũng không quên cái lợi của người khác thì sẽ có quả báo tốt đẹp.

Có thể nói ứng dụng tư tưởng đạo Phật vào kinh doanh sẽ đưa triết lý Phật pháp vào trong các hoạt động vận hành doanh nghiệp sẽ giúp thay đổi các mối quan hệ theo chiều hướng tốt để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện những mục tiêu xa hơn. Đức Phật dạy nếu một người có năng lực làm giàu nhờ công sức và trí tuệ của chính mình, và biết sử dụng của cải vật chất đó làm lợi mình lợi người thì rất tốt.

Theo ông Lê Phước Vũ là một doanh nhân thành đạt, một người có niềm tin với Phật giáo, dựa vào tinh thần đạo Phật để làm kinh doanh. Từ hai bàn tay trắng, năm 2001 ông Vũ thành lập nên Công ty cổ phần Hoa Sen. Hoa Sen cũng là biểu tượng đặc trưng của đạo Phật. Vị doanh nhân này có nhiều hoạt động từ thiện đặc biệt là tháng 5/2013 ông đã chi ra hơn 36 tỷ đồng để mời Nick Vujicic đến thuyết trình truyền cảm hứng ở Việt Nam. Theo ông thì gia đình ông có truyền thống theo đạo Phật, bà nội của ông là người xuất gia từ năm 1972 theo phái Khất sĩ. Tiếp theo ba ông cũng theo đạo Phật. Thuở nhỏ, vị doanh nhân này sống theo tín ngưỡng gia đình. Lúc đó đạo Phật đối với ông Vũ mang tính tín ngưỡng nhiều hơn là sự tỏ ngộ tâm linh và một sự thấu hiểu, quán triệt tinh thần về tâm linh.

Vũ Tiến