Mua bán bản quyền âm nhạc: Kênh đầu tư hấp dẫn tạo ra lợi nhuận "khủng"

07:55 30/12/2020

Tờ The Guardian, Merck Mercuriadis mô tả: Việc đầu tư vào tiền bản quyền âm nhạc là cuộc đặt cược tốt hơn vàng hoặc dầu, vì bản chất của chúng là tạo ra lợi nhuận và thậm chí không bị gián đoạn khi các ngành kinh tế khác gặp khó khăn.

Hợp đồng thế kỷ

Huyền thoại âm nhạc Bob Dylan vừa gây xôn xao khi ông quyết định bán quyền xuất bản toàn bộ gia tài âm nhạc gồm 600 tác phẩm của mình cho Universal Music (Tập đoàn Xuất bản Âm nhạc Universal - UMG).

Trong đó có Blowin 'In The Wind,' The Times They Are a-Changin, Knockin' On Heaven's Door, Tangled Up In Blue và Things Have Changed - ca khúc đã đem về cho Dylan giải Grammy Trình diễn rock (nam) xuất sắc nhất, giải Oscar Ca khúc độc đáo xuất sắc nhất và giải Quả cầu Vàng Ca khúc độc đáo xuất sắc nhất.

Huyền thoại âm nhạc Bob Dylan quyết định bán quyền xuất bản toàn bộ gia tài âm nhạc gồm 600 tác phẩm của mình cho Universal Music
Huyền thoại âm nhạc Bob Dylan quyết định bán quyền xuất bản toàn bộ gia tài âm nhạc gồm 600 tác phẩm của mình cho Universal Music.
Hợp đồng với Universal “là hợp đồng xuất bản âm nhạc quan trọng nhất trong thế kỷ này và là một trong những hợp đồng mua bán quan trọng nhất mọi thời đại” - UMG tuyên bố trong một thông cáo báo chí. Mặc dù công ty từ chối cho biết giá trị của thỏa thuận này, song các chuyên gia trong nền công nghiệp âm nhạc ước tính nó dao động từ 300 triệu USD đến 500 triệu USD.
Theo tờ Financial Times, con số này có thể vượt quá 9 con số và Dylan quyết định thực hiện giao dịch có khoản tiền lớn nhằm có nguồn tiền bản quyền ổn định cho bản thân và những người thừa kế trong tương lai.
“Sáng chói và xúc động, truyền cảm hứng và đẹp đẽ, sâu sắc và khiêu khích, các bài hát của Dylan là bất hủ, cho dù chúng được viết cách đây hơn nửa thế kỷ hay ngày hôm qua” - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Universal Music Group, Sir Lucian Grainge nói trong một tuyên bố - “Không quá lời khi nói rằng khối lượng công việc khổng lồ của ông đã chiếm được tình cảm và sự ngưỡng mộ của hàng tỷ người trên khắp thế giới”

Theo NewYork Times, thỏa thuận này là thương vụ mới và cao cấp nhất trong thị trường danh mục âm nhạc sôi động của năm nay. Cách đây không lâu, Stevie Nicks vừa bán 80% quyền xuất bản danh mục sáng tác của mình với giá trị khoảng 80 triệu USD cho Primary Wave Music.

Hipgnosis Songs Fund, một công ty của Anh gần đây tiết lộ, từ tháng 3 - 9/2020, họ đã chi khoảng 670 triệu USD để mua bản quyền hơn 44.000 bài hát của Blondie, Rick James, Barry Manilow, Chrissie Hynde của Pretenders và những người khác. Trong vài năm qua, Hipgnosis Songs Fund đã bỏ ra khoảng 1,2 tỷ bảng Anh (1,6 tỷ USD) để mua bản quyền các tác phẩm âm nhạc. David Crosby cũng tiết lộ đang trong quá trình bán danh mục bài hát của mình cho đơn vị trả giá cao nhất.

Kho tàng văn hóa” của Mỹ
Năm 2015, Dylan đứng đầu danh sách “100 nhạc sĩ vĩ đại nhất mọi thời” của Rolling Stone và bài hát Like A Rolling Stone được tạp chí này vinh danh là bài hát hay nhất. Năm 2016, Dylan được trao giải Nobel Văn học “vì đã tạo ra những cách diễn đạt thơ mới trong truyền thống sáng tác ca khúc của Mỹ” và ông trở thành nhạc sĩ đầu tiên được nhận giải thưởng danh giá này.
Thêm nữa, Dylan có 2 bằng tiến sĩ danh dự và được trao giải thưởng Pulitzer năm 2008 nhằm ghi nhận ảnh hưởng to lớn của ông đối với văn hóa đại chúng. Năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trao tặng ông danh hiệu cao quý nhất của đất nước: Huân chương Tự do của Tổng thống.
Gọi Dylan là ca sĩ nhạc rock hoặc dân gian sẽ chỉ mô tả một phần tính cách của ông. Dylan giống như một tác phẩm nghệ thuật tổng thể, một kho tàng văn hóa của Mỹ. Ngoài âm nhạc, Dylan còn viết sách, nghệ sĩ “visual” và năm 1973, ông tham gia diễn xuất trong bộ phim Pat Garrett & Billy the Kid.

Đầu tư vào tiền bản quyền âm nhạc là cuộc đặt cược tốt hơn vàng hoặc dầu

Trên tờ The Guardian, Merck Mercuriadis - người sáng lập Hipgnosis mô tả: “Việc đầu tư vào tiền bản quyền âm nhạc là cuộc đặt cược tốt hơn vàng hoặc dầu, vì bản chất của chúng là tạo ra lợi nhuận và thậm chí không bị gián đoạn khi các ngành kinh tế khác gặp khó khăn”.

Năm 1985, Michael Jackson là người đầu tiên làm việc này khi trả 47,5 triệu USD cho ATV Music để mua 4.000 bài hát
Năm 1985, Michael Jackson là người đầu tiên làm việc này khi trả 47,5 triệu USD cho ATV Music để mua 4.000 bài hát.

Minh chứng cho điều này là trong năm 2020, khi các ngành kinh tế khác đều lao đao vì Covid-19 thì thị trường âm nhạc trực tuyến vẫn tiếp tục tăng trưởng. Trong quý II/2020, thời điểm của đại dịch toàn cầu vào dịp cao điểm, số liệu từ Spotify cho thấy lượng người dùng hàng tháng tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Âm nhạc trực tuyến đang chứng tỏ là công cụ kiếm tiền đắc lực cho các chủ sở hữu bản quyền. Năm 2013, doanh thu âm nhạc toàn cầu chỉ đạt 14 tỷ USD nhưng tới năm 2019 đã tăng lên 20,2 tỷ USD nhờ lượng phát trực tuyến tăng 23%.

Dự kiến, đến cuối năm 2020, sẽ có hơn 450 triệu người đăng ký các dịch vụ âm nhạc trả phí trên Apple, Amazon và Spotify. Theo dự đoán của Goldman Sachs, doanh thu âm nhạc sẽ tăng khoảng 131 tỷ USD vào năm 2030.

“Đại dịch gây khó khăn cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm các chương trình nhạc sống, nhưng không ngăn cản sự phát triển của nhạc trực tuyến”, The Guardian nhận định và đánh giá, hiện tại đang là “cơn sốt vàng” của thị trường mua bán bản quyền bài hát.

Thực tế, việc mua bán bản quyền âm nhạc có từ lâu. Năm 1985, Michael Jackson là người đầu tiên làm việc này khi trả 47,5 triệu USD cho ATV Music để mua 4.000 bài hát, bao gồm hàng trăm bản nhạc của Lennon, McCartney như: Hey Jude, Yesterday, Let it Be… Tuy nhiên, ngành kinh doanh danh mục bài hát chỉ thực sự bùng nổ khoảng 1 năm nay, từ khi dịch Covid-19 bùng phát khiến các sự kiện âm nhạc, nghệ thuật phải hủy bỏ. Điều này tạo cơ hội cho các nghệ sĩ và nhạc sĩ có thu nhập bằng cách nhận tiền luôn một lần cho cả “gia tài” của mình. Đổi lại, các nguồn thu nhập hàng tháng của họ trước đây giờ sẽ chuyển cho chủ sở hữu mới.

Những dòng thu nhập từ sở hữu bản quyền bài hát có thể tồn tại lâu dài, đây là điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư. Dotan Oliar, giáo sư tại Đại học Luật Virginia - người chuyên về sở hữu trí tuệ phân tích, ví như bản quyền của Bob Dylan với tác phẩm trước năm 1978 của ông sẽ hết hạn sau 95 năm kể từ khi xuất bản.

Như thế, những bài hát từ năm 1962 có thể tạo ra thu nhập đến năm 2057. Còn bản quyền với các bài hát được viết sau ngày 1/1/1978 sẽ hết hạn sau 70 năm sau khi Dylan qua đời.

Hiện tại, Dylan đang 79 tuổi và sức khỏe tốt, nghĩa là các bài hát từ năm 1978 của ông có thể tạo ra thu nhập ít nhất cho đến tận năm 2100. Có lẽ vì thế, các nhà xuất bản và nhà đầu tư đang nỗ lực huy động hàng tỷ USD để thuyết phục các nhà soạn nhạc đồng ý “chia tay” những sáng tạo của mình.

Jem Aswad, biên tập viên âm nhạc cấp cao của Variety cho rằng, nguồn tài chính chủ yếu của các nghệ sĩ trước đây là lưu diễn. Nhưng trong đại dịch, nguồn tiền này không còn nên thứ không mất giá trị chính là bản quyền sở hữu trí tuệ.

Chính David Crosby đã thừa nhận khi nói về việc bán các danh mục sáng tác của mình: “Tôi có một gia đình và một khoản vay thế chấp. Tôi phải “chăm sóc” chúng nên đó là lựa chọn duy nhất của tôi lúc này”.

Không chỉ vậy, Aswad còn cho rằng, chính quyền Tổng thống sắp tới của Mỹ có khả năng sẽ tăng thuế thu nhập nên nhiều người đang tìm cách thực hiện các giao dịch này trước khi Joe Biden nhậm chức và bất kỳ luật mới nào có hiệu lực.

Về điều này, theo phân tích của trang Fortune, với khoản thu khổng lồ như của Bob Dylan thường sẽ bị đánh thuế với tỷ lệ 20% theo luật hiện hành. Nhưng Tổng thống đắc cử Joe Biden đã đề xuất nâng mức đánh thuế thu nhập cao hơn.

Nếu thương vụ như của Bob Dylan không được thực hiện trước khi Joe Biden thành Tổng thống chính thức, thuế mà ông phải đóng có thể sẽ tăng gấp đôi.

TH