Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1219/QĐ-BTTTT phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3.800-3.900MHz (khối băng tần C3) cho đơn vị trúng đấu giá là Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Tại quyết định này, thời hạn được phép sử dụng khối băng tần là 15 năm.
Số tiền trúng đấu giá (tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho toàn bộ 15 năm được phép sử dụng băng tần) là hơn 2.581 tỷ đồng.
Với việc giành được quyền sở hữu khối băng tần C3 với tần số từ 3800 MHz đến 3900 MHz, sẽ là cơ sở để MobiFone đẩy nhanh thương mại hóa dịch vụ 5G trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, tập trung tăng cường dịch vụ tại các thành phố lớn, khu vực sân bay, các điểm du lịch hay các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp.
Để triển khai 5G hiệu quả, MobiFone sẽ triển khai mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với các nhà mạng có băng tần 5G phù hợp. Việc hợp tác này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực của các nhà mạng mà còn đem lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất với dịch vụ 5G.
Trước đó, tại buổi đấu giá ngày 9-7, MobiFone đã trúng đấu giá lại quyền sử dụng khối băng tần C3 này, trở thành nhà mạng thứ ba sở hữu băng tần dành cho 5G, sau Viettel và VNPT.
Ngay sau khi trúng đấu giá, đại diện MobiFone cho biết, dự kiến sẽ tập trung cung cấp dịch vụ 5G tại các thành phố lớn, khu vực sân bay, các điểm du lịch hay các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp.
Đến năm 2030, MobiFone đặt mục tiêu phát triển mạng 5G đảm bảo vị trí doanh nghiệp hàng đầu thị trường Việt Nam. Song song với đó, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm Make in MobiFone trong các lĩnh vực AI/ML, IoT, Big Data, Blockchain…
Với việc MobiFone đấu giá thành công, Việt Nam có 3 nhà mạng cùng triển khai dịch vụ 5G thương mại. Trước MobiFone, từ tháng 3/2024, Viettel trúng đấu giá quyền sử dụng khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) với giá 7.533 tỷ và VNPT trúng đấu giá quyền sử dụng khối băng tần C2 (3.700-3.800 MHz) với giá 2.581 tỷ đồng.
Đức Anh (t/h)