Meta đối mặt án phạt 15,6 triệu USD từ Hàn Quốc vì vi phạm quyền riêng tư người dùng. |
Theo hãng tin Yonhap, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân Hàn Quốc thông báo quyết định phạt Meta Platforms Inc., công ty mẹ của Facebook và Instagram, 21,6 tỷ won (tương đương 15,6 triệu USD) vì thu thập dữ liệu nhạy cảm của người dùng mà không thông báo và cung cấp cho các nhà quảng cáo.
Ủy ban trên cho biết, quyết định phạt Meta đã được đưa ra trong cuộc họp toàn thể của ủy ban vào một ngày trước đó. Ủy ban phát hiện công ty này đã vi phạm pháp luật Hàn Quốc khi thu thập dữ liệu về tôn giáo, quan điểm chính trị,... của khoảng 980.000 người dùng Facebook Hàn Quốc.
Các thông tin này được thu thập thông qua phân tích hành vi trực tuyến của người dùng, như những trang web họ truy cập và các quảng cáo họ quan tâm.
Từ đó, Meta phân loại người dùng để các nhà quảng cáo có thể hiển thị các nội dung quảng cáo liên quan đến những chủ đề nhạy cảm này.
Theo báo cáo, dữ liệu nhạy cảm được Meta chia sẻ với khoảng 4.000 nhà quảng cáo, biến người dùng thành đối tượng của những chiến dịch quảng cáo có chủ đích.
Luật bảo mật của Hàn Quốc nghiêm cấm việc xử lý hoặc sử dụng dữ liệu nhạy cảm liên quan đến niềm tin cá nhân, quan điểm chính trị và xu hướng tình dục mà không có sự đồng ý rõ ràng từ người dùng.
Tuy nhiên, Meta không chỉ thu thập và chia sẻ dữ liệu này trái phép mà còn từ chối các yêu cầu truy cập thông tin cá nhân từ người dùng và chưa áp dụng biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa rò rỉ dữ liệu.
Bà Lee Eun Jung, Giám đốc của Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân Hàn Quốc dẫn đầu cuộc điều tra về Meta, nhấn mạnh rằng, Meta đã không thực hiện đủ các biện pháp an ninh cơ bản để bảo vệ dữ liệu người dùng. Bà Lee cho biết, Meta đã không xóa hoặc chặn các trang không hoạt động, tạo kẽ hở cho hacker lợi dụng các trang này giả mạo danh tính và yêu cầu đặt lại mật khẩu của các tài khoản người dùng khác. Điều này đã dẫn đến tình trạng rò rỉ dữ liệu, ảnh hưởng trực tiếp đến ít nhất 10 người dùng Facebook tại Hàn Quốc.
Meta hiện chưa lên tiếng về hình phạt của Hàn Quốc song đây không phải lần đầu Meta đối mặt với các án phạt nặng vì vi phạm quyền riêng tư người dùng.
Trước đó vào tháng 9, Meta từng bị các cơ quan quản lý châu Âu phạt hơn 100 triệu USD do để lộ mật khẩu người dùng trong tình trạng không mã hóa vào năm 2019.
Thêm vào đó, vào năm 2022, Hàn Quốc phạt Meta và Google tổng cộng 100 tỉ won (72 triệu USD) vì hành vi theo dõi và sử dụng dữ liệu hành vi người dùng để phục vụ quảng cáo mà không có sự đồng ý rõ ràng từ người dùng. Đó là mức phạt cao nhất từ trước đến nay tại Hàn Quốc đối với hành vi vi phạm luật bảo mật thông tin. Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân Hàn Quốc khi đó yêu cầu các công ty công nghệ này phải cung cấp quy trình đồng ý rõ ràng và dễ hiểu hơn để người dùng có thể kiểm soát việc chia sẻ thông tin cá nhân khi truy cập các trang web và dịch vụ bên ngoài nền tảng của họ.