Sự trỗi dậy của Internet di động đã kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp máy tính (PC) ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch năm ngoái, nhu cầu về thiết bị máy tính làm việc tại nhà tăng vọt, lượng PC xuất xưởng toàn cầu tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên khoảng 303 triệu chiếc.
Thế nhưng, từ quan điểm phát triển của ngành trong thập kỷ qua, các lô hàng PC đã bị ảnh hưởng bởi các thiết bị đầu cuối di động thông minh như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Có lẽ bởi tác động này, người sáng lập hãng máy tính khổng lồ Dell, Michael Dell, đã hoạt động âm thầm trong suốt mười năm qua. Trên thực tế, với sự phát triển của Internet di động, Thung lũng Silicon ở Mỹ đã gạt gã khổng lồ PC Dell sang một bên. Trong mắt giới tinh hoa này, sớm muộn gì Dell cũng sẽ suy tàn như gã khổng lồ điện thoại di động BlackBerry trước đây.
Bất chấp tất cả, trong suốt 10 năm im hơi lặng tiếng, Michael Dell đã dẫn dắt công ty hoàn thành một loạt các hoạt động thương mại ấn tượng, chẳng hạn như tư nhân hóa công ty với số tiền khổng lồ 24,9 tỷ đô la Mỹ và chi 67 tỷ đô la Mỹ mua lại tập đoàn cơ sở hạ tầng CNTT khổng lồ EMC Corporation, v.v. Chuỗi hành động này đã biến Dell, không chỉ là một “ông lớn” về PC, mà còn trở thành “gã khổng lồ” trong lĩnh vực dịch vụ cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu.
Được mệnh danh là “Miền đất hứa”, Hoa Kỳ là điểm đến lý tưởng cho giới doanh nhân và sinh ra nhiều “ông trùm khét tiếng”, chẳng hạn như Buffett, Jobs và Mike, những người trải qua hành trình kinh doanh đáng ngưỡng mộ. Michael sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Houston, Hoa Kỳ và bén duyên với kinh doanh từ khi còn nhỏ. Trước khi tốt nghiệp đại học, anh đã bỏ học và bắt đầu kinh doanh riêng, chủ yếu là kinh doanh máy tính bán buôn.
Trong nhiều cuốn sách kinh doanh về Michael, các tóm tắt về yếu tố thành công của vị doanh nhân nhất quán một cách đáng ngạc nhiên, xoay quanh hai nhân tố chính là máy tính và mô hình bán hàng độc đáo giúp giảm được nhiều chi phí và được người tiêu dùng đón nhận. Dưới sự lãnh đạo của Michael, Dell đã trở thành nhà bán máy tính cá nhân lớn nhất thế giới trong thiên niên kỷ với khối tài sản cá nhân trị giá 16 tỷ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, hành trình của Dell không còn thuận lợi do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt và sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị như điện thoại thông minh. Khoảng mười năm trước, doanh số bán PC trên toàn cầu sụt giảm, Dell được coi là một “công ty đồ cổ lâu đời” đứng trước viễn cảnh suy thoái như Nokia và BlackBerry.
Tất nhiên, Michael chưa hề từ bỏ. Như đã đề cập trước đó, ông đã thực hiện các biện pháp như tư nhân hóa và mở rộng các hoạt động mua bán sáp nhập, mở rộng thành công hoạt động kinh doanh của công ty, đưa Dell thành công rực rỡ trở lại. Năm 2020, lượng xuất xưởng PC hàng năm của Dell là 50,298 triệu chiếc, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ ba trên thế giới, chỉ đứng sau Lenovo và Hewlett-Packard. Trong năm tài chính 2021, Dell đạt doanh thu 94,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng điều gây chú ý nhất về Dell không phải là các lô hàng PC hay doanh thu mà là cách bố trí hoạt động kinh doanh của hãng. Hiện Dell không chỉ là thương hiệu máy tính để bàn và màn hình bán chạy nhất ở Bắc Mỹ mà còn là doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong các lĩnh vực lưu trữ dữ liệu, máy chủ và cơ sở hạ tầng.
Quan trọng hơn, không chỉ phát triển dữ liệu mặt đấy mà trong tương lai, hãng sẽ tiến hành nghiên cứu cần thiết trong lĩnh vực vũ trụ. Michael thẳng thắn: “Chúng tôi đang bán sản phẩm cho nhiều công ty vũ trụ mới nổi. Để lên vũ trụ, chúng tôi phải có năng lực tính toán mạnh mẽ, dữ liệu và sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo”.
Trong bối cảnh “lột xác” trở lại mạnh mẽ của hãng máy tính, tài sản của nhà sáng lập cũng theo đó tăng lên. Theo danh sách người giàu năm 2021 của Forbes, Michael 56 tuổi đang sở hữu 45,1 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 291,6 tỷ nhân dân tệ.
Nhìn lại nhiều năm thăng trầm, từ khi tài sản xuống dốc đến màn tái xuất đáng kinh ngạc, một số chuyên gia cho rằng sự trỗi dậy trở lại của Michael Dell nhờ vào diễn giải chính xác hướng đi của ngành công nghệ vào thời điểm quan trọng. Điều này cũng một lần nữa chứng minh tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu là nền tảng của sự phát triển doanh nghiệp.
TL