Lấy ý tưởng từ cuộc rượt đuổi ly kỳ trong Star Wars, một nhóm sinh viên kỹ thuật tại Nhật Bản chuyên nghiên cứu máy bay không người lái đã quyết định thiết kế và chế tạo mẫu máy bay riêng. Tận dụng tiến bộ công nghệ máy bay trong nước, nhóm Aerial Lab Technologies (ALI) đã tạo ra động cơ nâng sử dụng quạt dẫn động chạy điện từ sợi carbon, vốn là ưu thế của Nhật Bản trên toàn cầu. Cộng tác với Toray Carbon Magic, nhóm sinh viên hoàn thiện khung máy bay, một số động cơ điện hiệu suất cao và lắp pin lithium. Cuối cùng, giấc mơ về chiếc máy bay motor hay còn gọi là hoverbike đã trở thành hiện thực. Sản phẩm này được định hướng là một hình thức di chuyển cá nhân hoàn toàn mới và sẽ được tung ra thị trường trong năm nay với tên chính thức XTURISMO có giá 770.000 USD.
Giám đốc điều hành ALI, Katano chia sẻ: “Thách thức lớn đầu tiên của chúng tôi là tài chính”. Nhằm đảm bảo nguồn vốn ban đầu, nhóm nghiên cứu đã tìm đến một số công ty “nặng ký” trong ngành công nghệ gồm Kyocera và Mitsubishi Electric. Trong vòng thứ hai gọi vốn, nhiều quỹ đầu tư tư nhân tham gia hơn và ALI bắt đầu sản xuất 200 máy bay đầu tiên trong năm 2022.
Tuy nhiên, Nhật Bản không phải người chơi duy nhất trên thị trường này. Cũng cùng thời điểm xứ sở Hoa Anh Đào có những bước tiến đầu tiên với phương tiện mới, Trung Quốc thống trị thị trường máy bay không người lái tương mại và tiêu dùng. Trong đó nổi tiếng nhất là chiếc Ehang AAV mang dáng dấp của “ô tô” có thể chở người đi ăn trong phạm vi 35km, tốc độ 130km/h. Hiện Trung Quốc và Nhật Bản đi theo hai hướng chế tạo khác nhau: một bên chế tạo phương tiện nhanh hơn, mạnh hơn, bên còn lại xử lý quang học hay nói cách khác có thể nhận diện và tránh vật cản, tương tự như xe hơi tự hành. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản liên kết với Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn công nghệ Trung Quốc đang được sử dụng trong hoạt động khảo sát và giám sát. Điều này đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Nhật tăng tốc chiếm lĩnh thị trường nội địa với các sản phẩm tầm trung mà ít chịu cạnh tranh nước ngoài.
Như Yuki Okamoto đến từ công ty Skylink chỉ ra: “Chính sách của chính phủ Nhật Bản loại bỏ Trung Quốc khỏi các phân khúc là tín hiệu tích cực đối với nhà cung cấp trong nước”. Hiroshi Oryu từ một nhà cung cấp công nghệ máy bay không người lái đang phát triển khác của Nhật Bản, nhận xét rằng: “Các công ty Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế trên toàn cầu, nhưng ngành công nghiệp máy bay không người lái của Nhật Bản hiện đang phát triển cực kỳ nhanh chóng. Tất cả các sản phẩm chúng tôi bán đều được sản xuất quốc nội”.
Ngành công nghiệp phương tiện hàng không cá nhân này vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, chịu áp lực từ tác động xã hội cũng như làm thế nào để đáp ứng quy định. Chắc chắn rằng không phải ai cũng đủ khả năng chi trả 770.000 USD cho một phương tiện hiện đại nhưng đối với giới lắm tiền nhiều của, con số này cũng chỉ bằng một chiếc Bugatti hay Lamborghini. Trước mắt, các doanh nghiệp Nhật Bản kêu gọi đông đảo sự quan tâm đến motor bay cũng như thúc đẩy quá trình xin cấp phép để đưa vào sử dụng.
My My